Chị mất, em trai có được hưởng tiền bảo hiểm xã hội không?

Câu hỏi:

Tôi năm nay 60 tuổi, không chồng, không con, hiện vẫn còn làm việc và đóng bảo hiểm xã hội mới được hơn 12 năm. Nếu tôi gặp trường hợp sức khỏe không được tốt và qua đời đột xuất, thì số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đóng bao nhiêu năm nay, liệu em trai tôi có được hưởng không? Thủ tục như thế nào?

Trả lời:

Do bạn đã tham gia vào bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp nên trong trường hợp bạn bị bệnh qua đời đột xuất thì em trai bạn có thể được hưởng các khoản sau nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, cụ thể:

1. Chế độ trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Trong trường hợp sức khỏe bạn không tốt do bạn đã mắc bệnh nghề nghiệp (bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động) thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành và làm suy giảm khả năng lao động của bạn từ 5% trở lên thì khi bạn bị chết do bệnh này hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do bệnh này hoặc bị chết trong thời gian điều trị bệnh này mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động thì thân nhân của bạn sẽ được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở (Điều 53 Luật an toàn, vệ sinh lao động).

Thân nhân người đóng bảo hiểm được xác định bao gồm con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Theo đó, nếu em trai bạn là người mà bạn đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng thì sẽ được hưởng khoản tiền này.

2. Trợ cấp mai táng

Do bạn đã tham gia đóng bảo hiểm được hơn 12 năm nên căn cứ theo Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, em trai bạn có thể được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà bạn chết, trong trường hợp em trai bạn là người lo mai táng cho bạn.

3. Trợ cấp tuất

Trong trường hợp bạn chết thuộc trường hợp chết do bệnh nghề nghiệp như đã nói ở phần trên thì em trai bạn có thể được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nếu em trai bạn là người mà bạn đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu em trai bạn từ đủ 60 tuổi trở lên và phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. Thu nhập này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.

Trường hợp em trai bạn dưới 60 tuổi thì phải đáp ứng thêm điều kiện là bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mới được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Trường hợp này em trai bạn phải nộp đơn đề nghị khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp tuất hàng tháng trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày bạn chết. Mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Ngoài ra, nếu em trai bạn là người bạn đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng không đủ các điều kiển để được hưởng tiền tuất hằng tháng hoặc em trai bạn có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần thì em trai bạn sẽ được hưởng trợ cấp tuấn một lần theo mức được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi; mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính trợ cấp tuất một lần thực hiện theo quy định tại Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội.

Trình tự thủ tục để được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Để được hưởng các khoản tiền trên, em trai bạn cần lập hồ sơ hưởng chế độ tử tuất cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Hồ sơ bao gồm:

1. Sổ BHXH của người đang đóng BHXH, bị chết;

2. Giấy chứng tử hoặc giấy báo tử hoặc trích lục khai tử hoặc quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

3. Tờ khai của thân nhân theo mẫu số 09A-HSB (bản chính) (ban hành kèm theo Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam);

4. Biên bản họp của các thân nhân đối với trường hợp đủ Điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nhưng chọn hưởng trợ cấp tuất một lần theo mẫu số 16-HSB (bản chính) (ban hành kèm theo Quyết định số 636/QĐ-BHXH); trường hợp chỉ có một thân nhân đủ Điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc nhiều thân nhân đủ Điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nhưng chỉ có một người đại diện hợp pháp mà lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần thì thân nhân lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc người đại diện hợp pháp của thân nhân chịu trách nhiệm về việc lựa chọn và không cần biên bản này;

5. Bệnh án Điều trị Bệnh nghề nghiệp;

6. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa đối với thân nhân bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (bản chính) hoặc Giấy xác nhận khuyết tật mức độ đặc biệt nặng (tương đương mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên) theo quy định tại Thông tư số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT trong trường hợp hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Cơ quan bảo hiểm sẽ có trách nhiệm giải quyết các chế độ cho em trai bạn theo quy định tại Điều 112 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

Nguyễn Đức Hùng

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

0918.368.772

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợiTổng đài Tư vấn Pháp luật