Trả lời:
Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ thai sản:
Theo khoản 1, khoản 2, Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản thì:
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Về thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1, Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định như sau:
a) Trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con
b) Trường hợp sinh con từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Như vậy thông thường, theo quy định trên nếu bạn sinh con vào ngày 23/10/2020 và chỉ đóng bảo hiểm đến 31/12/2019: thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2020 do tháng 10 bạn không còn đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, thời gian bạn đóng bảo hiểm được tính để hưởng chế độ thai sản từ tháng 10/2019-tháng 12/2019 mới có 3 tháng không đủ thời gian đóng để hưởng chế độ thai sản.
Tuy nhiên, cũng theo khoản 3, khoản 4, Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì:
- Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
- Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.
Như vậy nếu bạn thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, khoản 4 nếu trên tức là bạn đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng và có chứng từ chứng minh bạn phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và bạn đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.
Hơn nữa, công ty bạn phải ngừng hoạt động vào tháng 4/2020 do dịch corona thuộc trường hợp bất khả kháng theo quy định tại khoản 1, Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Do đó, nếu bạn chứng minh được bạn phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền do dịch corona và bạn cũng phải chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điếm sinh con do sự kiện này cũng là một cơ sở để bạn có thể sử dụng làm căn cứ để hưởng chế độ thai sản.
2. Về việc ngừng đóng bảo hiểm chốt sổ ở công ty đến sau sinh tự đi làm giải quyết chế độ thai sản được không
Theo Điều 14 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản đúng với trường hợp của mình cho người sử dụng lao động. Trường hợp thôi việc trước khi sinh thì người lao động sẽ nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm xã hội
Như vậy trường hợp bạn ngừng đóng bảo hiểm chốt sổ ở công ty đến sau sinh, bạn có thể tự đi làm giải quyết chế độ thai sản bạn nhé.