Chi phí cấp sổ đỏ cho đất đã có giấy giao đất của phường

Câu hỏi:

Xin chào Luatvietnam.vn ! Tôi có lô đất được mua năm 2000, lúc mua thì có giấy “đơn xin giao đất để làm nhà ở”, đã được đóng dấu của phường, sở địa chính. Vậy bây giờ tôi làm sổ đỏ thì chi phí, thủ tục như thế nào,? Tôi có nộp thuế sử dụng đất từ năm 2000 đến nay đầy đủ. Xin luatvietnam.vn tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn!

Trả lời:

1. Về giấy tờ quyền sử dụng đất

Các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, cụ thể như sau:

“Điều 100. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất:

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;

d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

đ) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

e) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;

g) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.”

Theo thông tin bạn cung cấp, tại thời điểm bạn mua đất năm 2000 có “Đơn xin giao đất để làm nhà ở”, tuy nhiên bạn không nêu rõ thời điểm Đơn xin giao đất đất trên. Trường hợp đơn xin giao đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì đây là loại giấy tờ khác theo điểm g khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013, hướng dẫn theo khoản 5 Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP:

“Điều 18. Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai

Các giấy tờ khác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai có tên người sử dụng đất, bao gồm:

[…[

5. Giấy tờ có nội dung về quyền sở hữu nhà ở, công trình; về việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, xây dựng chứng nhận hoặc cho phép.”

Trường hợp Đơn xin giao đất để làm nhà ở đối với mảnh đất bạn mua được lập sau thời điểm ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì đây không được coi là giấy tờ về quyền sử dụng đất theo khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên gia đình bạn đã trực tiếp sử dụng đất, đóng thuế đất sử dụng từ năm 2000 thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật đất đai năm 2013:

“Điều 101. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

[…]

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”

2. Trình tự thủ tục đăng ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Trình tự, thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu và đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất được quy định tại điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

a, Hồ sơ đăng ký

Với từng trường hợp cụ thể và việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ sẽ có sự khác nhau. Để giải quyết vấn đề này Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được ban hành để hướng dẫn về các loại hồ sơ đối với từng trường hợp.

Khoản 1 Điều 8 thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định đối với trường hợp đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu, hồ sơ bao gồm:

+ Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK;

+ Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sau đây gọi là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất;

+ Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);

+ Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 theo Mẫu số 08/ĐK;

+ Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);

b, Trình tự thực hiện

- Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.

- Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh tình trạng đất, lập trích lục bản đồ thửa đất, niêm yết công khai kết quả kiểm tra, xác minh chậm nhất trong 15 ngày làm việc và gửi tờ trình, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện.

- Phòng Tài nguyên Môi trường trong vòng không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp xã, tiến hành xác minh, kiểm tra hồ sơ; gửi hồ sơ sang chi cục thuế xác định nghĩa vụ tài chính và lập tờ trình đề nghị Ủy ban nhân dân quận huyện cấp Giấy chứng nhân.

- Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện: trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, tờ trình của Phòng tài nguyên môi trường, ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Phòng Tài nguyên Môi trường: trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban nhân dân quận, huyện ký giấy chứng nhận, thông báo cho người được cấp giấy chứng nhân nộp nghĩa vụ tài chính.

- Ủy ban nhân dân xã, phường: trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày người được cấp giấy chứng nhận nộp đủ chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính, trả Giấy chứng nhận cho người được cấp.

3. Các khoản lệ phí phải nộp

- Lệ phí trước bạ: Theo Nghị định 140/2016/NĐ-CP, mức lệ phí này được tính bằng giá tính lệ phí trước bạ x Mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ %. Trong đó, mức thu lệ phí trước bạ là 0,5%. Riêng trường hợp tặng cho, thừa kế nhà đất thì sẽ được miễn lệ phí trước bạ, nếu có hồ sơ chứng minh việc tặng cho, thừa kế.

- Tiền sử dụng đất: mức tiền sử dụng đất đối với từng trường hợp đất cụ thể có mức thu khác nhau, áp dụng theo quy định tại Nghị định 45/2014/NĐ-CP.

- Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các loại phí khác: Ngoài các khoản lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất, người sử dụng đất khi đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn phải nộp các khoản phí đo đạc, lập bản đồ địa chính, phí thẩm định cấp quyền sử dụng đất, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tùy từng điều kiện cụ thể của từng địa bàn và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà quy định mức thu cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc sau: Mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh cao hơn mức thu tại các khu vực khác; mức thu đối với tổ chức cao hơn mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY