Làm gì khi đang mang thai mà bị đuổi việc?

Câu hỏi:

Chào luật sư. Tôi hiện đang làm việc tại 1 doanh nghiệp và đang mang thai ở tháng thứ 5. Vừa qua doanh nghiệp có gửi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với tôi với lý do công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19. Như vậy có đúng luật đối với người lao động mang thai không? Công ty tôi có tổng cộng 50% nhân viên bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với cùng lý do trên. Vậy công ty làm như vậy có đúng luật không? Nếu thật sự công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì công ty có phải chứng minh tình hình doanh thu bị ảnh hưởng thế nào, và công ty đã có những biện pháp gì cứu vãn mà vẫn không được trước khi ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động 50% nhân viên? (Vì tôi được biết một số công ty cũng lấy lý do bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19 đã cắt giảm 50% nhân sự để được tạm ngưng đóng BHXH). Trường hợp công ty được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì những khoản đền bù/ trợ cấp cho người lao động được quy đinh như thế nào? Cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “sự kiện bất khả kháng” là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước và cũng không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết. Do đó, đại dịch Covid-19 là một trong những sự kiện bất khả kháng.

Với việc nhận định đại dịch Covid-19 là một loại sự kiện bất khả kháng nên nhiều doanh nghiệp đã viện dẫn yếu tố này là một lý do để có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với người lao động nhằm được miễn trách nhiệm của mình theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012; và tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 05 năm 2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên có những trường hợp người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động được quy định tại khoản 3 Điều 39 Bộ luật Lao động năm 2012  trong đó có: “Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này.”

Tại khoản 3 và khoản 4 Điều 155 quy định bảo vệ thai sản đối với lao động nữ quy định:

“3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động”.

Như vậy, trong thời gian bạn đang mang thai mà công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối bạn vì lý do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 là vi phạm quy định của pháp luật và trái pháp luật. Khi bạn thấy mình bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì bạn có thể khiếu nại Công ty để họ nhận bạn trở lại làm việc.

Nếu trong trường hợp công ty vẫn không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì bạn có thể khiếu nại, khởi kiện để đòi lại quyền lợi cho mình.

Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, trong vòng 180 ngày kể từ ngày biết được quyền lợi của mình bị xâm phạm, người lao động gửi đơn khiếu nại lần đầu tới người sử dụng lao động. Nếu cách này vẫn không giải quyết được thì khiếu nại lần hai tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Việc làm này nhằm mục đích thông báo cho cơ quan quản lý biết về vụ việc, từ đó sẽ có tác động tới quyết định của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động có hành vi sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).

Song song với đó, bạn hoàn toàn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp có trụ sở. Trường hợp này pháp luật cho phép không nhất thiết phải hòa giải tại cơ sở để giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp bạn được chấp nhận trở lại làm việc thì Công ty sẽ phải có trách nhiệm nhận bạn vào làm việc trở lại và bồi thường ít nhất 02 tháng lương; nếu bạn không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường còn được trả trợ cấp thôi việc; nếu công ty không muốn nhận bạn vào làm việc và bạn cũng không muốn làm việc tại công ty nữa thì ngoài khoản tiền bồi thường và trợ cấp thôi việc như đã nêu trên, công ty còn phải bồi thường thêm cho bạn ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Vũ Văn Toàn

Được tư vấn bởi: Luật sư Vũ Văn Toàn

Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

0978994377

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi