Bị mất chứng minh nhân dân phải làm sao?

Câu hỏi:

Chào luật sư. Trước đây em từng làm mất chứng minh thư. Có đối tượng xấu nhặt được và dùng chứng minh thư đó đi đăng kí sim điện thoại chính chủ và nhắn tin làm nhục người khác. Quý luật sư cho em hỏi nếu bắt được hắn thì em có thể kiện hắn không, kiện với tội danh gì và hình phạt hắn phải nhận là gì? Em cảm ơn ạ.

Trả lời:

Vấn đề của bạn là bị mất chứng minh thư, thuật ngữ pháp lý là “Chứng minh nhân dân”, bị đối tượng xấu nhặt được và dùng chứng minh thư đó đăng ký sim điện thoại và nhắn tin làm nhục người khác.

Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều này được quy định tại Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính Phủ Nước CHXHCN Việt Nam về Chứng minh nhân dân. Mỗi công dân chỉ được cấp một chứng minh nhân dân và có một số chứng minh nhân dân riêng (quy định tại Điều 3).

Trường hợp bị mất, bạn cần đến cơ quan công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đăng ký thường trú để làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân với nội dung mất chứng minh nhân dân cũ quy định tại Điều 38 Luật số 59/2014/QH13 thông qua ngày 20/11/2014 quy định về Căn cước công dân. 

Khi phát hiện người khác sử dụng chứng minh nhân dân của bạn đăng ký sim điện thoại, bạn không có quyền bắt mà hãy nắm thông tin cá nhân, đặc điểm nhận dạng, hành vi vi phạm của họ để tố cáo với cơ quan công an có thẩm quyền để xác minh, xử lý. Để tránh và hạn chế hậu quá xấu, bạn hãy liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để hủy bỏ sim điện thoại hoặc bất kỳ giao dịch bất hợp pháp nào đã xảy ra.     

Cơ quan công an có thẩm quyền là đơn vị cấp quận, huyện nơi xảy ra việc đăng ký sim và đối tượng nhắn tin làm nhục người khác. Khi hành vi gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội, đủ các yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị xử lý về tội Làm nhục người khác, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi nguy hiểm được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:     

“Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Nếu còn điều gì thắc mắc bạn có thể liên hệ trực tiếp với nhà cung cấp hoặc luật sư để được tư vấn cụ thể.

Trân trọng!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY