Trả lời:
Trường hợp của bạn chúng tôi không được tiếp cận nội dung các bên đã thỏa thuận tại các Hợp đồng và hình thức của Hợp đồng để có thể đánh giá có đảm bảo quy định của pháp luật về chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay không. Nhưng để có cơ sở tư vấn, chúng tôi mặc định nội dung và hình thức của Hai hợp đồng kể trên là phù hợp với quy định của pháp luật thì:
Đối với Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bạn và Công ty kinh doanh bất động sản A đã được ký kết. Bởi vậy, các bên phải tôn trọng và nghiêm túc thực hiện các nội dung đã thỏa thuận trong đó bao gồm nghĩa vụ thanh toán.
Theo Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc chậm thanh toán như sau:
“Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền
1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.”
Như vậy, trong trường hợp của bạn thì bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bạn phải thanh toán toàn bộ số tiền còn thiếu và tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Tuy nhiên, nếu Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bạn và Công ty kinh doanh bất động sản A có quy định việc chậm thanh toán của bên mua phát sinh quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của Bên bán mà không phải bồi thường thì thỏa thuận này được pháp luật công nhận và bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng (quyền hủy bỏ hợp đồng).
Đối với số tiền thiệt hại 1 tỷ đồng (số tiền phạt cọc) mà bạn đã thiệt hại do hành vi chậm thanh toán của bên nhận quyền sử dụng đất của bạn thì căn cứ tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Cũng theo khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì:
“Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Bởi vậy, tôi cho rằng thiệt hại của bạn (số tiền phạt cọc) xuất phát nguyên nhân trực tiếp từ hành vi chậm thanh toán của Công ty kinh doanh bất động sản A nên bạn yêu cầu phải Công ty kinh doanh bất động sản A bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế (số tiền khoảng 1 tỷ đồng) là có căn cứ./.
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!