Trả lời:
I. Căn cứ pháp lý
- Luật An toàn vệ sinh lao động 2015;
- Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động;
- Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH về tỷ lệ tổn thương cơ thể.
II. Trường hợp người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động
Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi đáp đứng được các điều kiện theo quy định tại Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động, cụ thể:
Điều 45. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;
3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Ở đây, nếu người lao động bị tai nạn thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 45 và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, người lao động sẽ được hưởng hưởng chế độ tai nạn lao động.
III. Các chế độ trợ cấp:
Các chế độ trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động bao gồm trợ cấp một lần và trợ cấp hàng tháng. Cụ thể:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động: “Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động: “Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.”
IV. Cách giám định mức suy giảm khả năng lao động
Căn cứ Điều 47 Luật An toàn vệ sinh lao động, các trường hợp giám định mức suy giảm khả năng lao động được xác định như sau:
Điều 47. Giám định mức suy giảm khả năng lao động
1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;
b) Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;
c) Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
2. Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;
b) Bị tai nạn lao động nhiều lần;
c) Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó; trường hợp do tính chất của bệnh nghề nghiệp khiến người lao động suy giảm sức khỏe nhanh thì thời gian giám định được thực hiện sớm hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Như vậy, trong trường hợp này, người lao động được thực hiện giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động.
Quy định cụ thể về nội dung giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động được quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động như sau:
Điều 13. Trình tự, nội dung khám giám định
[...]
5. Nội dung khám giám định tổng hợp được thực hiện như sau:
b) Trường hợp đối tượng đã bị thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp nhưng mắc thêm thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp trùng lặp với tổn thương trước đây:
Thực hiện khám đúng, đủ thương tật, bệnh nghề nghiệp hiện có và căn cứ vào kết quả khám để xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động theo phương pháp quy định tại Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27 tháng 9 năm 2013 của liên tịch Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH).
Dẫn chiếu đến Điều 3 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH về tỷ lệ tổn thương cơ thể quy định về phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể:
Điều 3. Phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể
1. Việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể được tính theo công thức sau:
Tổng tỷ lệ % TTCT = T1 + T2 + T3 +…+ Tn
Trong đó:
T1: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ nhất; T1 được xác định là tỷ lệ % TTCT cao nhất trong các TTCT.
T2: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ hai; T2 = (100 - T1) x giới hạn dưới của TTCT thứ 2/100%.
T3: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ ba; T3 = (100-T1-T2) x giới hạn dưới của TTCT thứ 3/100%.
Tn: Tỷ lệ % TTCT của tổn thương thứ n, Tn= {100-T1-T2-T3-…-T(n-1)} x giới hạn dưới của TTCT thứ n/100%.
Trong trường hợp này, cần áp dụng phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể nêu trên để xác định. Cụ thể, đối với trường hợp người lao động bị thương do tai nạn lao động cùng ở một vị trí với lần bị thương trước đó, cần giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể trong từng lần bị thương, qua đó xác định được tỷ lệ tổn thương cơ thể do tai nạn lao động gây ra để xác định chế độ trợ cấp được hưởng.
Xem thêm: Cách xác định tỷ lệ phần trăm thương tật trong vụ án hình sự
Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Cách xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể khi bị tai nạn lao động?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!