Trả lời:
Thứ nhất, về cách tính tỷ lệ thương tật
Hiên nay, công thức xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể (tỷ lệ thương tật) được áp dụng theo Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần do bộ trưởng bộ y tế ban hành (Thông tư 22/2019/TT-BYT), cụ thể như sau:
“Điều 4. Phương pháp xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể
1. Việc xác định tỷ lệ % TTCT được tính theo phương pháp cộng như sau:
Tổng tỷ lệ % TTCT = T1 + T2 + T3 +...+ Tn; trong đó:
a) T1: Được xác định là tỷ lệ % TTCT của TTCT thứ nhất (nằm trong khung tỷ lệ các TTCT được quy định tại Thông tư này).
b) T2: là tỷ lệ % của TTCT thứ hai:
T2 = (100 - T1) x tỷ lệ % TTCT thứ 2/100;
c) T3: là tỷ lệ % của TTCT thứ ba:
T3 = (100-T1-T2) x tỷ lệ % TTCT thứ 3/100;
d) Tn: là tỷ lệ % của TTCT thứ n:
Tn - {100-T1-T2-T3-...-T(n-1)} x tỷ lệ % TTCT thứ n/100.
đ) Tổng tỷ lệ % TTCT sau khi được làm tròn số là kết quả cuối cùng.”
Theo công thức trên và thông tin bạn cung cấp thì tỷ lệ tổn thương cơ thể thứ nhất ở vai (T1) của anh trai bạn là 40% và tỷ lệ tổn thương cơ thể thứ hai là ở chân:10%, do đó, tỷ lệ thương tật của anh bạn sẽ được tính như sau:
T1 = 40%
T2 = (100 - T1) x tỷ lệ % TTCT thứ 2/100 = (100 – 40) x 10/100% = 6%
Tổng tỷ lệ % tổn thương cơ thể (tỷ lệ thương tật) của anh trai bạn là: T1 + T2 = 40 % + 6%= 46%
Như vậy, tổng tỷ lệ thương tật của anh trai bạn được tính theo Phương pháp xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể được quy định tại Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT là 46%.
Thứ hai, về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại
Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Căn cứ quy định trên, anh trai của anh có quyền yêu cầu các đối tượng bồi thường thiệt hại.
Thứ ba, về cách xác định thiệt hại
Căn cứ theo Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
- Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, tòa sẽ căn cứ quy định trên để xác định những thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm sẽ được bổi thường, còn cụ thể là bao nhiêu thì tòa sẽ dựa vào thiệt hại thực tế của anh trai bạn và các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ để chứng minh thiệt hại đó.
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!