Cách tính trợ cấp thôi việc khi nghỉ việc trước 1/2/2021

Câu hỏi:

Xin hỏi Luatvietnam: Tôi có ký kết hợp đồng thử việc với công ty A vào ngày 1/1/2010. Trong thời gian thử việc tôi không được công ty đóng bảo hiểm thất nghiệp và cũng không được chi trả thêm một khoản tiền tương đương với tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp. Ngày 1/2/2010, tôi bắt đầu ký kết hợp đồng lao động không thời hạn với công ty A. Ngày 1/1/2020, tôi có chấm dứt hợp đồng lao động với công ty đúng quy định pháp luật. Vậy trong trường hợp trên, tôi có được hưởng trợ cấp thôi việc không? Nếu có thì tôi sẽ được hưởng mấy tháng trợ cấp thôi việc? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Ngày 01/01/2020, bạn chấm dứt hợp đồng lao động với công ty đúng quy định pháp luật.

Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 1 và khoản 4 Điều 2 Nghị định 05/2015/NĐ-CP - đã được sửa đổi bởi Nghị định 148/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/12/2018 đến ngày 31/01/2021):

“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động

5. Sửa đổi Khoản 3 Điều 14 như sau:

3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có). Trong đó:

a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ hàng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động; thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 129 của Bộ luật lao động.

b) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp;

c) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

4. Trường hợp hợp đồng lao động có hiệu lực trước ngày Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành mà hợp đồng lao động có thỏa thuận thời gian thử việc thì thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm bao gồm cả thời gian thử việc trong hợp đồng lao động.”

Căn cứ quy định trên, vì trong hợp đồng lao động của bạn không quy định thời gian thử việc trong đó mà bạn và công ty ký hợp đồng thử việc riêng và hợp đồng lao động riêng. Do đó không áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 2 để tính thời gian thử việc vào thời gian làm việc thực tế của bạn.

Như vậy, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc của bạn được xác định là từ ngày 01/02/2010 đến ngày 31/12/2019, tổng cộng là: 9 năm 11 tháng (làm tròn thành 10 năm).

Căn cứ Điều 48 Bộ luật Lao động 2012 (có hiệu lực từ ngày 01/05/2013 đến ngày 31/12/2021):

“Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”

Căn cứ quy định trên, trợ cấp thôi việc mà bạn được hưởng là 5 tháng tiền lương. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Xem thêm: Trợ cấp thôi việc: Điều kiện, mức hưởng và thủ tục nhận

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Công ty Minh Long Legal

Được tư vấn bởi: Luật sư Công ty Minh Long Legal

Công ty TNHH Minh Long Legal

http://minhlonglegal.com/index.html- 03 7777 3369

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi