Trả lời:
Liên quan đến vấn đề này, Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về họ, hụi, biêu, phường như sau: "Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên."
Trường hợp này, bạn và 10 người khác cùng thỏa thuận chơi họ, theo quy định tại Điều 7 Nghị định 19/2019/NĐ-CP: "Thoả thuận về dây họ được thể hiện bằng văn bản”. Tuy nhiên, ở đây giữa chủ họ và các thành viên lại không có bất cứ giấy tờ nào về sự thỏa thuận này.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 23 Nghị định 19/2019/NĐ-CP, chủ họ phải có trách nhiệm:
- Thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi.
- Giao các phần họ cho thành viên lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ.
...
Chủ họ trong trường hợp này đã không thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ nêu trên, mà còn có hành vi bỏ trốn. Liên quan đến vấn đề này, Điều 25 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 25. Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm
1. Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Chủ họ, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về họ."
Như vậy, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, bạn và các thành viên khác trong dây họ có thể nộp đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi chủ họ này cư trú để yêu cầu tòa án giải quyết.
Mặc dù trong trường hợp này, sổ họ do bà A (chủ họ) giữ và các thành viên không có giấy tờ gì chứng minh số tiền đã đóng nhưng các thành viên cũng có thể cung cấp một số chứng cứ chứng minh như email, tin nhắn, ghi âm cuộc gọi (có thể lập vi bằng) hoặc có người làm chứng… về việc chủ họ có thu tiền họ của các thành viên. Đây cũng có thể là cơ sở để tòa án xem xét, thụ lý đơn khởi kiện của các thành viên.
Nếu những chứng cứ chứng minh này tuân thủ đúng trình tự thu thập chứng cứ theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP thì có giá trị pháp lý là chứng cứ chứng minh; nếu không đúng trình tự thủ tục nêu trên thì sẽ có giá trị tham khảo và có thể xem là cơ sở để tòa án xem xét, giải quyết.
Trường hợp hành vi của chủ họ có dấu hiệu hình sự như chủ họ cố tình lừa đảo để chiếm đoạt tài sản, hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (nhận tiền của người khác rồi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản; hoặc tới thời hạn thanh toán thì cố tình không trả mặc dù có đủ khả năng trả; hoặc sử dụng tiền vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng thanh toán…) thì các thành viên có thể tố cáo lên cơ quan công an cấp huyện về hành vi này của chủ họ cùng với những chứng cứ chứng minh nêu trên.
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!