Cách đăng ký khai sinh cho con riêng khi chưa ly hôn

Câu hỏi:

Xin hỏi Luatvietnam: Tôi và anh A có kết hôn với nhau vào ngày 01/01/2020. Ngày 01/01/2021, tôi có sinh cháu E nhưng không phải con ruột của anh A. Cháu E là con ruột của anh B. Ngày 01/5/2021, tôi và anh A ly hôn. Vậy tôi muốn đăng ký khai sinh cho cháu E có tên của tôi và anh B có được không? Thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu E được thực hiện như thế nào? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Chúng tôi không rõ là tại thời điểm ngày 01/5/2021 bạn và anh A ly hôn thì cháu E đã đăng ký khai sinh chưa?

Theo quy định tại khoản 1, Điều 15 Luật Hộ tịch hiện hành thì: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con….”.

Ngoài ra, khi bạn và anh A thực hiện thủ tục ly hôn ở Tòa án thì cũng bắt buộc phải nộp Giấy khai sinh của cháu E thì Tòa mới có thể giải quyết.

Như vậy, chúng tôi trả lời thắc mắc của bạn trong trường hợp cháu E đã đăng ký khai sinh với tên người cha là anh A.

Trường hợp cháu E đã đăng ký khai sinh với tên người cha là anh A thì bạn hoặc anh B có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định anh B là cha ruột của cháu E theo một trong các trường hợp sau đây:

 

Trường hợp 1: Không có tranh chấp

Trường hợp không có tranh chấp về việc xác định cha cho con (nghĩa là anh A, anh B và bạn đều xác nhận cháu E là con của anh B) thì bạn và anh B liên hệ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã cấp Giấy khai sinh cho E để thực hiện thủ tục xác định cha cho con.

Để chứng minh việc xác định cha cho con không có tranh chấp thì giữa anh A, anh B và bạn phải lập văn bản xác nhận cháu E không phải con của anh A mà là con của anh B. Văn bản này phải được công chứng, chứng thực hợp pháp. Trường hợp anh A, anh B và bạn cùng đến Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện thủ tục xác định cha cho con thì các bên có thể xác nhận theo yêu cầu của cán bộ hộ tịch.

Căn cứ pháp lý:

Khoản 1, Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

“Điều 101. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con

1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.”

Điều 24 Luật Hộ tịch 2014:

“Điều 24. Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.”

Khoản 1, Điều 25 Luật Hộ tịch 2014:

“Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.”

Khoản 1, Điều 44 Luật Hộ tịch 2014:

“Điều 44. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.”

Khoản 1, Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP:

“Điều 14. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con

Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.”

 

Trường hợp 2: Có tranh chấp về việc xác định cha cho con

Trường hợp anh A cho rằng cháu E là con của anh A hoặc anh A không biết việc anh B thực hiện thủ tục xác định cha cho con hoặc biết mà không có ý kiến gì, theo thực tiễn thì các trường hợp này được xem là có tranh chấp.

Trường hợp có tranh chấp, để xác định cha cho con, anh B phải khởi kiện bạn (mẹ cháu E) ra Tòa án có thẩm quyền là Tòa án cấp huyện nơi bạn cư trú để yêu cầu Tòa án giải quyết việc xác định cha cho con. Để yêu cầu của anh B có căn cứ, tốt nhất nên thực hiện giám định ADN của anh B và cháu E.

Trường hợp anh B khởi kiện bạn (là người bị kiện) cỏ vẻ như không hợp lý, vì bạn và anh B đều xác nhận E là con của anh B, tức là không có tranh chấp. Tuy nhiên, thực tiễn tố tụng thì các trường hợp này phải kiện ra Tòa như trình bày ở trên.

Khi bản án của Tòa án có hiệu lực thì bạn và anh B mang bản án đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cấp Giấy khai sinh cho cháu E để thực hiện thủ tục ghi vào sổ hộ tịch theo quy định tại khoản 1, Điều 48 Luật Hộ tịch 2014.

Căn cứ pháp lý:

Khoản 2, Điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

“Điều 101. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con

2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.”

Khoản 1, Điều 48 Luật Hộ tịch 2014:

“Điều 48. Thẩm quyền ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam ghi vào Sổ hộ tịch việc khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.”

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Đoàn Khắc Độ

Được tư vấn bởi: Luật sư Đoàn Khắc Độ

Công ty Luật TNHH Đại Đức

https://luatdaiduc.vn

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi