Bố mẹ tặng đất cho con chưa thành niên được không?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Vợ chồng tôi do mâu thuẫn và muốn ly hôn, vợ chồng tôi thỏa thuận sẽ làm thủ tục tặng cho con của mình, cháu năm nay 8 tuổi. Vậy xin hỏi, vợ chồng tôi có làm thủ tục tặng cho con được không? Nếu con tôi mới chỉ 8 tuổi thì có thể nhận quyền sử dụng đất được hay không? Nếu được thì trình tự giải quyết như thế nào? Xin cảm ơn!

Trả lời:

1. Bố mẹ tặng cho quyền sử dụng đất cho con chưa thành niên được không?

Căn cứ Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người chưa thành niên như sau:

Điều 21. Người chưa thành niên

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Theo đó, người chưa đủ 18 tuổi đều không thể tự mình giao dịch bất động sản được. Đối với trường hợp của bạn thì còn cần phải có người đại diện theo pháp luật xác lập thực hiện giao dịch đó.

Theo đó, Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau:

Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân

1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Ngoài ra, khoản 3, Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về phạm vi đại diện như sau: “3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Như vậy, nếu đất là sở hữu chung của hai vợ chồng bạn, thì việc tặng cho quyền sử dụng đất cho con bạn lại không thể thực hiện được khi mà bạn không thể vừa là bên tặng cho lại vừa đại diện cho bên nhận tặng cho.

Còn trường hợp đất đã thuộc quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng, thì người còn lại hoàn toàn có thể đại diện cho con mình để thực hiện giao dịch nhận tặng cho. Và khi con trai bạn đã đủ 18 tuổi thì lúc đó cháu sẽ có toàn quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật và được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bo-me-tang-dat-cho-con-chua-thanh-nien

2. Người dưới 18 có quyền đứng tên trên Giấy chứng nhận không?

Căn cứ Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:

- Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 Luật Đất đai 2013.

- Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

- Người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

- Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng.

- Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

- Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.

Theo đó, pháp luật hiện không quy định việc cấm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dưới 18 tuổi.

Bên cạnh đó tại Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT (sửa đổi bởi khoản 4 và khoản 5 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) quy định về thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận cũng không đề cập đến độ tuổi của người đứng tên trên Giấy chứng nhận.

Như vậy, mặc dù bị giới hạn về việc bố mẹ tặng cho quyền sử dụng đất cho con chưa thành niên nhưng không có quy định cấm việc con chưa thành niên không được đứng tên trên Giấy chứng nhận. Do vậy, người dưới 18 tuổi vẫn có quyền được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

3. Hình thức tặng cho quyền sử dụng đất được quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức tặng cho quyền sử dụng đất như sau:

- Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.

- Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Xem thêm: Thủ tục tặng cho đất đai: Toàn bộ hướng dẫn chi tiết nhất

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi "​​Bố mẹ tặng đất cho con chưa thành niên được không?" dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Bùi Đức Nhã

Được tư vấn bởi: Luật sư Bùi Đức Nhã

Công ty luật TNHH Tuệ Anh

https://law.tueanhgroup.vn- 09898 67736

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi