Trả lời:
Về mặt đạo đức, hành vi của người bạn trai này không phù hợp, thiếu trách nhiệm và sai lệch với các chuẩn mực đạo đức xã hội. Về phương diện pháp lý, người bạn trai này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì việc giao cấu là hoàn toàn tự nguyên từ hai bên.
Tuy nhiên, nếu bạn chứng minh được người bạn trai này là cha của đứa bé, thì người bạn trai của bạn phải thực hiện nghĩa vụ đối với con theo đúng quy định của pháp luật.
1.Trường hợp cha không cấp dưỡng, mẹ có quyền khởi kiện không?
Tại Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng bao gồm:
Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Như vậy, nếu có căn cứ xác định bạn trai cũ là cha của đứa trẻ mà người cha chối bỏ, phủ nhận trách nhiệm, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì bạn hoàn toàn có quyền làm đơn khởi kiện và Tòa án sẽ có thẩm quyền giải quyết.
2. Nghĩa vụ của cha mẹ đối với người con
Điều 69 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định như sau:
Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ
1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Như vậy, trường hợp bạn chứng minh được đứa con này là con của bạn trai cũ thì anh ta phải thực hiện các nghĩa vụ với con theo đúng quy định nêu trên.
3. Mức cấp dưỡng của cha mẹ với con
Theo Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cụ thể về mức cấp dưỡng như sau:
Điều 116. Mức cấp dưỡng
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy, bạn trai cũ của bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của bạn trai cũ và nhu cầu thiết yêu của người được cấp dưỡng là con bạn. Trường hợp bạn và bạn trai cũ không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
Xem thêm: Con ngoài giá thú có được yêu cầu cấp dưỡng không?
Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Bố không nhận con thì mẹ có được yêu cầu cấp dưỡng không?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!