Trả lời:
Như trình bày của anh/chị thì anh/chị đang bị công ty tiến hành họp để xử lý kỷ luật mà cụ thể hình thức ở đây là sa thải.
Trong quá trình chờ họp kỷ luật thì anh/chị vẫn được đi làm bình thường trừ khi có quyết định tạm đình chỉ công việc của công ty và anh/chị vẫn được hưởng lương của những ngày đó nếu đi làm và nếu bị tạm đình chỉ thì anh/chị vẫn được tạm ứng 50% tiền lương trong thời gian bị tạm đình chỉ, căn cứ theo Điều 128 Bộ luật Lao động 2019:
“Điều 128 Tạm đình chỉ công việc
1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.
2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.”
Vậy, công ty phải gửi thông báo sa thải trước ít nhất bao nhiêu ngày? Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động 2019 có quy định tại điểm a khoản 2 Điều 70 về trình tự xử lí kỉ luật lao động như sau:
“Điều 70. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động
Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động tại khoản 6 Điều 122 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
[…]
2. Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động như sau:
a) Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, họ tên người bị xử lý kỷ luật lao động, hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật lao động đến các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động, bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp;”.
Như vậy, trước khi họp xử lý kỷ luật thì ít nhất là 05 ngày, công ty phải gửi thông báo về việc họp xử lý kỷ luật lao động cho anh chị, còn về Quyết định xử lý kỷ luật (bao gồm cả quyết định sa thải) thì không có quy định cụ thể về thời gian tối thiểu phải ban hành.
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!