Bị điều chuyển sang nước ngoài làm việc có được đóng BHXH không?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Ngày 1/1/2020, tôi có ký hợp đồng lao động với công ty A tại Việt Nam. Ngày 1/6/2020, vì lý do sản xuất, kinh doanh cho nên công ty A đã điều động tôi sang chi nhánh của công ty A tại Nhật Bản để làm việc trong 6 tháng. Vậy trong 6 tháng này, công ty A có bắt buộc phải đóng BHYT, BHXH cho tôi không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Hợp đồng lao động được quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện. Địa điểm làm việc được thực hiện theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo Điều 28 Bộ luật lao động 2019.

Trong trường hợp này, do hoạt động sản xuất, kinh doanh nên Công ty A nên đã điều động bạn sang Chi nhánh của Công ty A tại Nhật Bản để làm việc trong 6 tháng là việc thực hiện việc làm khác so với hợp đồng lao động mà bạn đã ký kết với Công ty A.

Tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định: “Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.

Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động”.

Theo đó, Công ty A điều động bạn sang Chi nhánh của Công ty A tại Nhật Bản để làm việc trong 6 tháng là vượt quá quy định nêu trên, trừ trường hợp bạn đồng ý bằng văn bản. Trong trường hợp này bạn sẽ được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Tại điểm g khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: “Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:  Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định về việc người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Do đó, bắt buộc bạn phải tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hình thức bảo hiểm theo quy định của nước tiếp nhận người lao động theo quy định tại khoản 7 Điều 45 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006. Như vậy, bất kể lao động Việt Nam có đóng hay không đóng BHXH trước đó khi rời khỏi Việt Nam đều phải đóng BHXH bắt buộc.

Tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật bảo hiểm y tế quy định: Thời gian tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục trở lên đối với đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.

Người lao động khi đi lao động ở nước ngoài thì thời gian đã tham gia bảo hiểm y tế trước khi đi lao động ở nước ngoài được tính là thời gian đã tham gia bảo hiểm y tế nếu tham gia bảo hiểm y tế khi về nước trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh”.

Tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính Phủ quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thuộc nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức".

Như vậy, trong thời gian làm việc tại Chi nhánh của Công ty A ở Nhật Bản thì bạn vẫn phải tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc và Công ty A phải có trách nhiệm thực hiện đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội cho bạn theo quy định dựa trên cở sở tiền lương tháng của người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014.

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Nguyễn Đức Hùng

Được tư vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

0918.368.772

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi