Bị CSGT bắn tốc độ có được nộp phạt tại chỗ không?

Câu hỏi:

Cách đây nửa năm tôi điều khiển xe máy vi phạm chạy quá tốc độ 56/50km/h và bị lập biên bản tạm giữ bằng lái xe A1. Khi tôi hỏi có đóng phạt tại chỗ không vì tôi bận và khá xa mấy tháng sau tôi mới đóng phạt được.

Phía Cảnh sát giao thông (CSGT) trả lời: Không được, anh phải lên kho bạc đóng, bao lâu cũng được miễn sao có đóng phạt thì mới lấy lại được bằng lái xe nếu anh tiếp tục tham gia giao thông mà vi phạm lần nữa sẽ phạt nặng hơn, còn khi kiểm tra hành chánh thì biên bản này thay thế cho bằng lái xe.

Trên biên bản không có ngày hẹn xử lý đóng phạt. Gần đây tôi bị kiểm tra hành chính và bị lập biên bản không bằng lái. Phạt vậy đúng hay sai?

Trả lời:

1. Chạy quá tốc độ có được nộp phạt tại chỗ không?

Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT, xe cơ giới gồm: Xe ô tô, máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy diện) và các loại xe tương tự.

Trong đó, xe mô tô hay thường được gọi là xe máy là một loại xe cơ giới, tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy là:

- 50km/h ở đường hai chiều, đường một chiều có một làn xe cơ giới;

- 60km/h ở đường đôi, đường một chiều có từ hai làm xe cơ giới trở lên.

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn điều khiển xe máy với tốc độ 56km/h ở đoạn đường có tốc độ tối đa cho phép là 50km/h. Đối chiếu quy định tại điểm c khoản 3 Điều 6 Nghị định 46, cụ thể:

Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05km/h - 10km/h sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

Theo đó, trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức thì không lập biên bản, người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ (khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).

Tuy nhiên, trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Bạn bị phạt lỗi điều khiển xe chạy quá tốc độ - lỗi được phát hiện nhờ sử dụng máy đo tốc độ, nên dù mức phạt dưới 250.000 đồng nhưng bạn vẫn sẽ bị lập biên bản.  

Như vậy, trong trường hợp của bạn, CSGT phải lập biên bản vi phạm ngay khi xác định được người vi phạm.

Biên bản vi phạm phải được lập thành ít nhất 02 bản, giao cho người vi phạm 01 bản. Trong các nội dung của biên bản vi phạm hành chính không có nội dung về thời hạn nộp phạt (khoản 2 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, CSGT có thể tạm giữ bằng lái xe trong thời hạn 07 ngày (có thể gia hạn không quá 30 ngày đối với những vụ việc phức tạp).

2. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ bằng lái xe thì trong thời hạn 07 ngày, người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Đồng thời, sau khi lập biên bản, CSGT phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn thông thường là 07 ngày. Trường hợp CSGT có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính bao gồm một số nội dung như:

- Biên bản vi phạm hành chính, kết quả xác minh, văn bản giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc biên bản họp giải trình và tài liệu khác (nếu có);

- Họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm;

- Hành vi vi phạm hành chính; tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

- Điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng;

- Hình thức xử phạt chính; hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có);

- Quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

- Hiệu lực của quyết định, thời hạn và nơi thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nơi nộp tiền phạt;

Theo đó, thời hạn nộp phạt được ghi tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, thời hạn nộp phạt là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt trừ trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.

Quyết định xử phạt được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho người bị xử phạt biết.

3. Dùng biên bản vi phạm thay cho bằng lái xe?

Theo khoản 2 Điều 78 Nghị định 46/2016, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.

Do đó, bạn chỉ được dùng biên bản vi phạm hành chính thay cho bằng lái xe trong thời hạn hẹn giải quyết vụ việc, quá thời hạn đó sẽ bị xử phạt đối với hành vi không có giấy tờ.

Tuy nhiên, trường hợp bạn nêu, không có ngày hẹn giải quyết nên trước tiên bạn cần liên hệ với người lập biên bản vi phạm để thắc mắc về việc không ghi thời điểm giải quyết vụ việc đồng thời với việc không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau đó.

Nếu vấn đề không được giải quyết bạn có thể khiếu nại tới cấp trên trực tiếp của người đã lập biên bản hành vi vi phạm của bạn.

Hoàng Tuấn Vũ

Được tư vấn bởi: Luật sư Hoàng Tuấn Vũ

Công ty luật TNHH Tuệ Anh

090 165 9868

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợiTổng đài Tư vấn Pháp luật