Bệnh viện công không được ký hợp đồng lao động với bác sỹ, điều dưỡng?

Câu hỏi:

Kính thư Luật sư! Em cùng 23 người làm điều dưỡng tại bệnh viện công của nhà nước theo chế độ hợp đồng và đã làm được 10 đến 16 năm rồi. Trong quá trình công tác, chúng em luôn chấp hành tốt mọi chủ trương đường lối bệnh viện đề ra, không vi phạm gì và có một số thành tích nhất định đã được khen thưởng, tặng bằng khen. Vậy mà hôm vừa rồi bệnh viện thông báo là theo quy định của Bộ Nội Vụ là không được phép có hợp đồng chuyên môn trong bệnh viện nên bệnh viện gọi tụi em lên thông báo cắt hợp đồng. Giờ cuộc sống của chúng em bị xáo trộn đáng kể. Xin Luật sư tư vấn giúp chúng em giờ phải làm sao ạ?

Trả lời:

Bệnh viện công là đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, theo quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 về việc thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và khoản 2 Mục I Thông tư 15/2001/TT-BTCCBCP của Ban tổ chức - Cán bộ chính phủ về việc thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thì những công việc được ký hợp đồng lao động gồm:

  • Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp;
  • Lái xe;
  • Bảo vệ;
  • Vệ sinh;
  • Trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị sự nghiệp;
  • Công việc khác như: nấu ăn tập thể, tạp vụ, mộc nề, chăm sóc và bảo vệ cảnh quan trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Còn các công việc chuyên môn, ngoài các vị trí công việc được nêu ở trên được xếp vào vị trí việc làm. Vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (quy định tại khoản 1, Điều 7, Luật Viên chức 2010 và khoản 1, Điều 2, Nghị định số 41/2012/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập), sẽ thuộc chế độ của vị trí việc làm.

Về quyền của đơn vị sự nghiệp công:

Đơn vị sự nghiệp công được phép tự chủ về nhân sự: xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và quản lý viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật; thuê hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập

Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm thường xuyên rà soát về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và vị trí việc làm, số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Hàng năm, xây dựng đề án điều chỉnh vị trí việc làm trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định số 41/2012/NĐ-CP của Chính phủ (Điều 10 và khoản 1 Điều 11 Thông tư 14/2012/TT-BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 8 tháng 5 năm 2012 quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập )

Hàng năm, nếu các đơn vị sự nghiệp công lập không gửi công văn và đề án đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh vị trí việc làm theo quy định thì giữ ổn định vị trí việc làm, số lượng người làm việc và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đã được phê duyệt.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP thì kể từ ngày 15/01/2019, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không được thực hiện ký hợp đồng lao động với các trường hợp sau:

- Những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính hoặc là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên.

- Những người làm bảo vệ ở các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Chính phủ, Kho tiền hoặc Kho hồ sơ ấn chỉ có giá trị như tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Kho ấn chỉ thuế, Kho ấn chỉ hải quan.

- Lái xe chuyên dùng chuyên chở tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước.

Như vậy, đối với các bệnh viện là đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên thì các vị trí làm công việc chuyên môn như bác sĩ, điều dưỡng… sẽ không được thực hiện ký hợp đồng lao động.

Theo bạn trình bày thì bạn ký hợp đồng lao động bệnh viện và việc tuyển dụng lao động theo hợp đồng của đơn vị sự nghiệp căn cứ vào nhu cầu thực tế của đơn vị sự nghiệp đó; mặt khác, nó còn phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cấp trên trực tiếp về việc thực hiện tốt các quy định của công tác tổ chức cán bộ.

Do đó, đối với trường hợp này, bệnh viện đã thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động đối với các vị trí làm công việc chuyên môn là để “sửa sai” và tuân thủ quy định nêu trên.

Thông thường đơn vị sự nghiệp sẽ thỏa thuận với người lao động về việc chấm dứt hợp đồng và bạn có thể yêu cầu đơn vị sự nghiệp thực hiện nghĩa vụ khi chấm dứt hợp đồng theo quy định về chế độ hợp đồng hay thực hiện chế độ vị trí việc làm theo quy định của pháp luật về vị trí việc làm. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân được tối đa nhất, bạn nên thỏa thuận với bệnh viện về việc hưởng các chế độ.

Đinh Thị Hoàng Nhung

Được tư vấn bởi: Luật sư Đinh Thị Hoàng Nhung

Công ty Luật TNHH Hnlaw & Partners

http://www.hnlaw.vn/

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi