Bao nhiêu tuổi thì có thể tự ký kết hợp đồng lao động?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Mình có em gái (15 tuổi) sẽ ký kết hợp đồng lao động làm nhân viên bán đồ ăn nhanh. Xin hỏi, người lao động 15 tuổi được làm việc tối đa bao nhiêu giờ trong 1 ngày? Có được khám sức khỏe định kỳ như những người lao động đi làm việc tại các công ty khác không? Và em gái mình có thể tự ký hợp đồng lao động được không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Căn cứ Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 quy định về lao động chưa thành niên như sau:

“1. Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.

2. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được làm công việc hoặc làm việc ở nơi làm việc quy định tại Điều 147 của Bộ luật này.

3. Người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

4. Người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này.”

Theo đó, em gái bạn mới có 15 tuổi nên được coi là lao động chưa thành niên. Bán đồ ăn nhanh là công việc không vi phạm vào quy định của Bộ luật Lao động (cụ thể quy định tại Điều 147 Bộ luật lao động).

Thứ nhất, thời giờ làm việc của người chưa thành niên được quy định tại Điều 146 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

"1. Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

2. Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành."

Như vậy, em gái bạn đủ 15 tuổi nên thời gian làm việc tối đa không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần.

Thứ hai, về khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động được quy định tại Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:

"Điều 21. Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động

1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần…..”

Như vậy, theo quy định trên thì đối với người lao động chưa thành niên sẽ phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần theo quy định.

 

Thứ ba, quy định người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp tại khoản 4 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

“[….]

4. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;

c) Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

d) Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.”

Như vậy theo quy định trên, khi giao kết hợp đồng lao động, em gái bạn đủ 15 tuổi sẽ được thực hiện giao kết hợp đồng lao động nhưng phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.

Xem thêm5 điều cần biết khi sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Bao nhiêu tuổi thì có thể tự ký kết hợp đồng lao động?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: tuvan@luatvietnam.vn
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY