Bán đất là tài sản chung, vợ/chồng không ký nhưng vẫn có hiệu lực khi nào?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Tôi và chồng có một mảnh đất diện tích 300m2. Năm 2018, chồng tôi đã bán mảnh đất này cho ông A với giá 2 tỷ đồng. Khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng thì tất cả các văn bản đều không có chữ ký của tôi, nhưng số tiền bán đất tôi biết và khi lấy tiền về vợ chồng tôi đã chia cho 3 người con, số còn lại vợ chồng tôi đã mua một căn nhà mới để ở. Đến nay, tôi mới biết khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng nhà đất cần có chữ ký của hai vợ chồng thì mới đúng quy định. Vậy xin hỏi, trường hợp này của vợ chồng tôi đã bán đất có được coi là hợp lệ không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Nhà đất là tài sản chung của vợ chồng, khi bán có cần cả hai cùng ký tên không?

Căn cứ khoản 1, Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng nếu:

- Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

- Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

- Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Trường hợp không có căn cứ để chứng minh quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì được coi là tài sản chung.

Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

Theo đó, nếu quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng thì vợ, chồng đều có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với quyền sử dụng đất đó. Do đó, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đó cho người khác thì yêu cầu phải có chữ ký của cả hai vợ chồng thì hợp đồng mua bán nhà đất mới có hiệu lực pháp lý, trừ trường hợp có văn bản ủy quyền của người vợ cho người chồng được thực hiện thay quyền chuyển nhượng.

Nếu là tài sản chung mà chồng tự ý chuyển nhượng cho người khác mà không có sự đồng ý của người vợ dù sổ đỏ đứng tên chồng thì người vợ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.

Ban-dat-la-tai-san-chung

Có phải mọi trường hợp vợ/chồng không ký hợp đồng chuyển nhượng đất thì vô hiệu không?

Căn cứ khái quát án lệ số 04/2016/AL về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” có nội dung như sau:

Trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất.

Căn cứ quy định tại Điều 35 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung như sau:

Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Như vậy, có thể thấy rằng không phải cứ là tài sản chung của vợ chồng thì bắt buộc phải có chữ ký đầy đủ của cả hai vợ chồng trong hợp đồng chuyển nhượng. Trường hợp nếu vợ/chồng biết việc giao dịch của bên còn lại nhưng không có ý kiến phản đối cũng như cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất thì việc chuyển nhượng đó vẫn có hiệu lực pháp luật.

Xem thêm: Bán đất có cần chữ ký của cả hai vợ chồng không?

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Bán nhà đất là tài sản chung, vợ/chồng không ký nhưng vẫn có hiệu lực khi nào?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn! 

Hoàng Tuấn Vũ

Được tư vấn bởi: Luật sư Hoàng Tuấn Vũ

Công ty luật TNHH Tuệ Anh

090 165 9868

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi