Trả lời:
Khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định nguyên tắc hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có:
- Kịp thời và tuân thủ đúng quy định chuyên môn kỹ thuật.
- Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu.
Trong trường hợp này cần xem xét quy trình rút máy thở của bác sĩ đối với bệnh nhân có đúng với quy định của Bộ Y tế và đúng với nguyên tắc khám chữa bệnh nêu trên hay không (?).
Nếu qua đánh giá chuyên môn, phân tích các thông số xác định người bệnh đủ tiêu chuẩn cai máy thở theo quy định chuyên ngành y khoa thì hành vi rút máy thở của bác sĩ đối với bệnh nhân không vi phạm quy định pháp luật.
Quy định chuyên môn về cai máy thở tham khảo tại Quyết định 1904/QĐ-BYT ban hành ngày 30/05/2014 về “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Hồi sức – Cấp cứu và Chống độc”.
Nếu bác sĩ rút máy thở của bệnh nhân không đúng quy định, dẫn đến tình trạng bệnh của bệnh nhân chuyển biến xấu hơn hoặc tệ hơn là dẫn đến tử vong thì cần phải xem xét hành vi của bác sĩ là do trình độ chuyên môn hay vì lý do khác (như cố ý giết người).
Trường hợp hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bác sĩ có thể bị xử lý hình sự một trong các tội sau (căn cứ Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017):
“Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
[…]”
Nếu hành vi trên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, bác sĩ có thể bị xử lý theo các hình thức sau:
- Xử lý kỷ luật tại đơn vị theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 hoặc Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
- Xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
- Bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!