Trả lời:
Theo thông tin bạn cung cấp thì bố bạn qua đời năm 2003 và mẹ bạn mất năm 2018, trước khi chết ông bà có để lại tài sản là quyền sử dụng 2500m2 đất . Vào tháng 02/2019 anh chị em bạn đã đến UBND hỏi việc đất đai của cha mẹ thì được trả lời là đất cha mẹ chỉ có 500m2, lần thứ 2 sau đó khoảng 1 tháng làm đơn để sáng tỏ sự việc thì nhận được câu trả lời là cha mẹ không còn mảnh đất nào.
Như vậy, nếu trong trường hợp bố mẹ bạn đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) sẽ là chủ sở hữu hợp pháp nên anh trai cả bạn muốn đứng tên trên GCNQSDĐ phải được sự đồng ý của bố mẹ bạn. Việc sang tên này phải dựa trên cơ sở đó là có những hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tặng cho quyền sử dụng đất, di chúc...
Theo đó, nếu anh trai cả bạn có căn cứ chứng minh bố mẹ bạn có tặng cho, hoặc di chúc thừa kế miếng đất cho anh bạn thì việc anh cả bạn nhận chuyển quyền sử dụng đất hoàn toàn hợp pháp mà không cần phải thông báo cho anh chị em bạn và không vi phạm pháp luật.
Nếu trong trường hợp anh trai cả bạn đã tự ý sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có sự đồng ý của bố mẹ bạn hoặc không có các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của mình mà cơ quan có thẩm quyền lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh ấy là vi phạm pháp luật vì bố mẹ bạn trước khi mất không để lại di chúc nên di sản bố mẹ bạn để lại phải được chia theo quy định của pháp luật.
Do đó, nếu quyền sử dụng 2500m2 đất mà bố mẹ bạn chết để lại là di sản thừa kế được chia theo Điều 651 của Bộ luật Dân sự năm 2015 về thừa kế theo pháp luật quy định theo thứ tự cụ thể như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Vì vậy, bạn và những người thừa kế liên quan có thể làm đơn khiếu nại, kiến nghị hoặc tố cáo gửi đến Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013. Khi đó mảnh đất được coi là di sản thừa kế của bố mẹ bạn để lại và các đồng thừa kế có thể khởi kiện ra tòa án để chia di sản thừa kế.
Tuy nhiên ngoài phương án ở trên, bạn và những người đồng thừa kế khác cũng có thể khởi kiện vụ án dân sự chia thừa kế có liên quan đến yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, bạn cũng có thể lựa chọn phương án nộp đơn khởi kiện ngay đến Tòa án cấp huyện để được giải quyết theo quy định.