Ai được quyền tăng giá dịch vụ quản lý nhà chung cư?

Câu hỏi:

Xin hỏi LuatVietnam: Tôi đã mua một căn hộ chung cư trả góp từ năm 2020, tòa nhà chung cư này khoảng 250 căn hộ. Đầu năm 2021 tôi chuyển về đây sinh sống. Theo thỏa thuận với chủ đầu tư thì phí dịch vụ là 6.000đ/m2/tháng, phí trông giữ xe ô tô là 1 triệu/01 ô tô/tháng. Tuy nhiên, tháng vừa qua tôi đi nộp phí dịch vụ, công ty thông báo từ tháng sau sẽ thu phí dịch vụ là 10.000 đ/m2/tháng. Trong hợp đồng mua nhà thì nói các dịch vụ thu không vượt quá 8.000 đ/m2. Từ hồi tôi về đây sinh sống đến nay cũng chưa thấy chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư. Tôi muốn hỏi khi nào sẽ tổ chức hội nghị chung cư lần đầu cho cư dân? Chủ đầu tư có được quyền tăng phí dịch vụ như vậy không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

1. Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được quy định như thế nào?

Căn cứ khoản 3, Điều 106 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư như sau:

Điều 106. Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư

[…]

3. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được quy định như sau:

a) Trường hợp chưa tổ chức được Hội nghị nhà chung cư lần đầu thì giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở;

b) Trường hợp đã tổ chức được Hội nghị nhà chung cư thì giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư do Hội nghị nhà chung cư quyết định.

Như vậy, dựa vào thông tin mà bạn cung cấp thì chung cư nơi bạn ở chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư, cho nên giá dịch vụ vận hành nhà chung cư sẽ được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà của bạn đã giao kết với chủ đầu tư.

Trong trường hợp hợp đồng nhà đã thỏa thuận phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư không quá 8.000đ/m2 thì chủ đầu tư chỉ được tăng tối đa đến 8.000đ/m2. Việc chủ đầu tư tự ý tăng phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư lên 10.000đ/m2 là trái với quy định của pháp luật.

Gia-dich-vu-quan-ly-nha-chung-cu

2. Hội nghị nhà chung cư lần đầu được tổ chức khi nào?

Điều kiện để tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu được quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 13 Thông tư 02/2016/TT-BXD (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5, Điều 1 Thông tư 06/2019/TT-BXD) như sau:

Điều 13. Hội nghị nhà chung cư lần đầu

1. Điều kiện để tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu được quy định như sau:

a) Hội nghị của tòa nhà chung cư phải được tổ chức trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã được bàn giao cho người mua, thuê mua (không bao gồm số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua); trường hợp quá thời hạn quy định tại Điểm này mà tòa nhà chung cư chưa có đủ 50% số căn hộ được bàn giao thì hội nghị nhà chung cư được tổ chức sau khi có đủ 50% số căn hộ được bàn giao;

b) Hội nghị của cụm nhà chung cư được tổ chức khi có tối thiểu 50% số căn hộ của mỗi tòa nhà trong cụm đã được bàn giao cho người mua, thuê mua (không bao gồm số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua) và có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ của từng tòa nhà đã nhận bàn giao đưa vào sử dụng đồng ý nhập tòa nhà vào cụm nhà chung cư.

Theo đó, nếu căn hộ mà bạn đang sở hữu thuộc tòa nhà chung cư theo quy định nêu trên trong vòng 12 tháng kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã được bàn giao cho người mua, thuê mua thì chủ đầu tư phải tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định. Hoặc sau 12 tháng mà tòa nhà chung cư chưa có đủ 50% số căn hộ được bàn giao thì hội nghị nhà chung cư được tổ chức sau khi có đủ 50% số căn hộ được bàn giao.

Ngoài ra, trường hợp nhà chung cư đã được bàn giao đưa vào sử dụng quá thời hạn 12 tháng và đã có đủ 50% số căn hộ được bàn giao theo quy định nhưng chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư và có đơn của đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao thì UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 13 Thông tư Thông tư 02/2016/TT-BXD (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2019/TT-BXD).

3. Không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu thì bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 67 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi không tổ chức hội nghị nhà chung chư lần đầu như sau:

Điều 67. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với chủ đầu tư

[…]

3. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 260.000.000 đồng đối với chủ đầu tư có một trong các hành vi sau đây:

c) Không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định;

Như vậy, đối với hành vi không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 260.000.000 đồng.

Đồng thời, phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm r, khoản 5, Điều 67 Nghị định 16/2022/NĐ-CP là buộc tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền nêu trên chỉ áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Xem thêm: Tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu: Điều kiện và quy trình

Trên đây là nội dung tư vấn cho câu hỏi “Ai được quyền tăng giá dịch vụ quản lý nhà chung cư?” dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Hoàng Tuấn Vũ

Được tư vấn bởi: Luật sư Hoàng Tuấn Vũ

Công ty luật TNHH Tuệ Anh

090 165 9868

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách pháp luật. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: [email protected]
Quý khách có bất kỳ vấn đề nào cần tư vấn, hãy đặt câu hỏi cho các luật sư để được tư vấn một cách nhanh chóng nhất!

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

loading
Vui lòng đợi