Trả lời:
Quyền sử dụng sổ hộ khẩu
Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) thì sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
Bên cạnh đó, tại Điều 10 Thông tư 35/2014/TT-BCA cũng quy định:
- Người trong hộ gia đình có trách nhiệm bảo quản, sử dụng sổ hộ khẩu theo đúng quy định. Phải xuất trình sổ hộ khẩu khi cán bộ Công an có thẩm quyền kiểm tra. Nghiêm cấm sửa chữa, tẩy xóa, thế chấp, cho mượn, cho thuê hoặc sử dụng sổ hộ khẩu trái pháp luật.
- Người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình là căn cứ để xác định nơi thường trú của thành viên trong hộ, do vậy, tất cả các thành viên trong hộ gia đình đều có quyền ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng sổ hộ khẩu vào các công việc có liên quan.
Xử phạt hành vi vi phạm
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì hành vi không xuất trình sổ hộ khẩu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị xử phạt với mức phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Như vậy, trường hợp của bạn, bạn có quyền liên hệ với cơ quan công an quản lý cư trú nơi bạn đang thường trú để được giải quyết đối với hành vi của gia đình nhà chồng bạn cản trở, không cung cấp sổ hộ khẩu theo quy định của pháp luật.