Xác định quốc tịch của nhà đầu tư có vai trò quan trọng trong hoạt động đầu tư quốc tế. Vậy làm sao để biết nhà đầu tư đó mang quốc tịch nước nào? Cùng theo dõi chi tiết tại bài viết dưới đây.
1. Nhà đầu tư là gì? Bao gồm những loại nào?
Nhà đầu tư không phải khái niệm quá xa lạ với mỗi người làm kinh doanh. Theo đó, nhà đầu tư được định nghĩa chi tiết tại khoản 18 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 như sau: Nhà đầu tư có thể là cá nhân hoặc có thể là tổ chức. Những người này sẽ thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh.
Cần phải phân biệt rõ, nhà đầu tư và chủ đầu tư. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, nhà đầu tư là người/tổ chức thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Trong khi đó, chủ đầu tư theo khoản 4 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013, lại là tổ chức sở hữu vốn hoặc được giao thay mặt chủ sở hữu vốn, tổ chức vay vốn trực tiếp quản lý quá trình thực hiện dự án đầu tư.
Cũng tại quy định này, nhà đầu tư gồm nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài cùng tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
2. Nhà đầu tư được xác định mang quốc tịch nào?
Theo Luật Đầu tư năm 2020, nhà đầu tư được phân thành 03 loại hình: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, với từng loại hình nhà đầu tư khác nhau, việc xác định quốc tịch của nhà đầu tư cũng được quy định khác nhau. Cụ thể:
- Nhà đầu tư trong nước: Là cá nhân nhà đầu tư có quốc tịch Việt Nam hoặc là tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Căn cứ theo giải thích tại Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đang áp dụng hiện nay, nhà đầu tư trong nước là cá nhân có thể là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (hay còn gọi là Việt kiều).
- Nhà đầu tư nước ngoài: Là cá nhân có quốc tịch nước ngoài hoặc là tổ chức thành lập theo pháp luật của nước ngoài nhưng thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, cá nhân có quốc tịch nước ngoài là người có quốc tịch của một nước khác mà không phải là quốc tịch Việt Nam.
Lưu ý: Trường hợp này không bao gồm người không có quốc tịch. Bởi người không có quốc tịch là người vừa không có quốc tịch Việt Nam vừa không có quốc tịch nước ngoài.
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: Đây là một loại tổ chức kinh tế mà trong đó có thành viên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài này.
Như vậy, căn cứ vào phân loại nhà đầu tư, xác định quốc tịch của nhà đầu tư có thể là cá nhân có quốc tịch Việt Nam hoặc cá nhân có quốc tịch nước ngoài…
3. Nhà đầu tư có 2 quốc tịch, áp dụng như thế nào?
Tương tự như nguyên tắc xác định quốc tịch của cá nhân, công dân Việt Nam có thể có một quốc tịch Việt Nam hoặc một số trường hợp đặc biệt thì có thể có thêm quốc tịch nước ngoài, nhà đầu tư cũng có thể có hai quốc tịch trở lên.
Khi nhà đầu tư là công dân Việt Nam và có quốc tịch nước ngoài thì với hoạt động đầu tư kinh doanh thực hiện tại Việt Nam, nhà đầu tư này được quyền chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục đầu tư như với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy, có thể hiện, nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài có thể chọn một trong hai hình thức áp dụng với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đều được.
Tuy nhiên, nếu đã lựa chọn điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như với nhà đầu tư trong nước thì nhà đầu tư vừa là công dân Việt Nam vừa có quốc tịch nước ngoài không được thực hiện quyền, nghĩa vụ như với nhà đầu tư nước ngoài.
(theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Đầu tư)
Trên đây là giải đáp chi tiết về xác định quốc tịch của nhà đầu tư. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.