Thế nào là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng? Có bị đi tù không? là những nội dung sẽ được LuatVietnam làm rõ trong bài viết dưới đây.
1. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là gì?
Vượt quá phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Theo quy định nêu trên có thể hiểu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả mang những đặc điểm sau:
- Chống trả quá mức cần thiết;
- Không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Ví dụ: Ông A xem camera thấy có đối tượng khả nghi quẩn quanh nhà mình với ý đồ trộm cắp, ông A đã cầm tuýp sắt chạy ra đuổi theo và đánh vào đầu khiến người này tử vong.
Khi đó, hành vi của ông A được xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bởi hành vi này của ông A là chống trả quá mức cần thiết và không phù hợp với hành vi nguy hiểm của người kia gây ra.
2. Làm sao để xác định hành vi có phải là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng?
Để xác định một hành vi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì trước tiên cần nhận biết rõ dấu hiệu của hành vi phòng vệ chính đáng.
Theo Nghị quyết số 02/HĐTP (đã hết hiệu lực), hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện sau:
- Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.
- Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.
- Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại.
- Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Theo đó, với những hành vi chống trả lại mà không đáp ứng các điều kiện nêu trên, đặc biệt việc chống trả có sự chênh lệch lớn giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại (chống trả quá mức cần thiết) có thể được xem là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
3. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có bị đi tù không?
Về vấn đề này, tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 cũng nêu rõ người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng gây hậu quả xảy ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một số tội danh sau:
- Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 26 Bộ luật Hình sự 2015)
- Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015):
- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% - 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 05 - 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Ngoài ra tùy theo tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù từ 01 - 03 năm.