Vốn ODA là một nguồn vốn quan trọng giúp phát triển nền kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Bài viết sau sẽ giúp bạn biết vốn ODA là gì? Dự án nào được ưu tiên sử dụng vốn ODA.
1. Vốn ODA là gì?
Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA - Official Development Assistance) là một hình thức đầu tư nước ngoài thông qua việc viện trợ vốn không hoàn lại, hoàn lại hoặc cho vay vốn lãi suất thấp của các nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho chính phủ và nhân dân các nước cần viện trợ.
Theo Điều 1 và Khoản 19 Điều 3 trong Nghị định 114/2021/NĐ-CP, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là nguồn vốn của các nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội.
2. Phân loại vốn vay ODA
Căn cứ vào Khoản 19 Điều 4 trong Nghị định 114/2021/NĐ-CP, vốn ODA gồm có các loại sau:
Vốn ODA không hoàn lại: Đây là loại nguồn vốn không cần hoàn trả lại cho các nhà tài trợ nước ngoài và thường được ưu tiên sử dụng cung cấp cho các dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Nguồn vốn ODA không hoàn lại này có thể được xem là một nguồn thu ngân sách của nhà nước.
Vốn vay ODA: Đây là loại vốn vay nước ngoài có thành tố ưu đãi đạt ít nhất 35% đối với những khoản vay có điều kiện ràng buộc có liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo những quy định do nhà tài trợ nước ngoài đưa ra hoặc đạt được ít nhất 25% đối với các khoản vay không có điều kiện ràng buộc nào.
3. Phương thức cung cấp vốn vay ODA
Theo Điều 4 trong Nghị định 114/2021/NĐ-CP, để cung cấp nguồn vốn ODA, có thể thông qua 04 phương thức sau:
Chương trình
Dự án
Phi dự án
Hỗ trợ ngân sách
4. Các dự án được ưu tiên sử dụng vốn ODA
Nguồn vốn ODA được ưu tiên sử dụng cho các loại hình vốn khác nhau theo quy định tại Điều 5 Nghị định 114/2021/NĐ-CP như sau:
Đối với vốn ODA không hoàn lại: Loại vốn này được ưu tiên sử dụng để thực hiện:
Các chương trình hay dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Mục tiêu tăng cường năng lực.
Hỗ trợ việc xây dựng các chính sách, thể chế và cải cách.
Công tác phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro của thiên tai, cứu trợ thảm họa và phòng chống dịch bệnh.
Thích ứng với các biến đổi khí hậu.
Tăng trưởng xanh.
Cải thiện an sinh xã hội.
Chuẩn bị cho các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án có sử dụng vốn vay ưu đãi với mục đích làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.
Đối với vốn vay ODA: Loại vốn này được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong những lĩnh vực sau: Y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thức ứng với các biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, các hạ tầng kinh tế thiết yếu nhưng có khả năng thu hồi vốn một cách trực tiếp.
5. Trình tự và thủ tục quản lý vốn ODA
Vốn ODA có thể được xem là một khoản hỗ trợ vì khoản đầu tư này thường là những khoản vay không lãi suất hay lãi suất thấp và được vay trong thời gian dài. Vậy trình tự, thủ tục sử dụng và quản lý nguồn vốn ODA là gì? Dựa theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 114/2021/NĐ-CP, gồm các bước như sau:
Đối với các chương trình, dự án được sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi
Bước 1: Lập, lựa chọn và phê duyệt đề xuất của các chương trình, dự án
Bước 2: Đưa thông báo chính thức đến cho những nhà tài trợ nước ngoài về đề xuất của các chương trình, dự án đã được phê duyệt.
Bước 3: Lập, thẩm định và đưa ra quyết định đầu tư cho các chương trình, dự án.
Bước 4: Tiếp tục đưa ra thông báo chính thức cho các nhà tài trợ nước ngoài về quyết định đã đưa ra về chủ trương đầu tư cho chương trình, dự án và đề nghị xem xét tài trợ.
Bước 5: Lập, thẩm định và đưa ra quyết định cho việc đầu tư vào các chương trình, dự án.
Bước 6: Tùy thuộc vào quy định của nhà tài trợ, tiến hành thực hiện một trong số các thủ tục sau: Ký kết điều ước quốc tế hoặc ký thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.
Bước 7: Quản lý việc thực hiện và quản lý tài chính.
Bước 8: Sau khi các công việc đã được hoàn thành, tiến hành chuyển giao kết quả đã thực hiện được.
Đối với trường hợp các dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại
Bước 1: Lập ra các Văn kiện dự án, phi dự án.
Bước 2: Quyết định chủ trương việc thực hiện đối với dự án và phi dự án theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 trong Nghị định 114/2021/NĐ-CP.
Bước 3: Thẩm định và phê duyệt Văn kiện của dự án, phi dự án.
Bước 4: Thực hiện thông báo chính thức cho nhà tài trợ nước ngoài về việc phê duyệt Văn kiện của dự án, phi dự án và đưa ra đề nghị xem xét tài trợ.
Bước 5: Tùy thuộc vào quy định của nhà tài trợ nước ngoài, cần thực hiện một trong những thủ tục sau: Ký kết điều ước quốc tế, ký thỏa thuận về vốn ODA thuộc loại không hoàn lại, ký văn bản trao đổi về các dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án đang cần được sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại.
Bước 6: Tiến hành quản lý các công tác thực hiện trong dự án, phi dự án và quản lý về tài chính.
Bước 7: Hoàn thành và chuyển giao kết quả đã đạt được.
Đối với khoản hỗ trợ về ngân sách
Bước 1: Lập hồ sơ và tài liệu về khoản hỗ trợ ngân sách.
Bước 2: Ra quyết định chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách.
Bước 3: Ký kết điều ước quốc tế, ký thỏa thuận vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho các khoản hỗ trợ ngân sách.
Bước 4: Tiến hành quản lý việc thực hiện và quản lý tài chính.
Bước 5: Hoàn thành và chuyển giao kết quả đã đạt được.
Đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA theo cơ chế hòa trộn
Thực hiện các thủ tục theo đúng trình tự đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.
6. Kết luận
Trên đây là bài viết về vốn ODA là gì? Dự án nào được ưu tiên sử dụng vốn ODA. Để đảm bảo được an toàn nợ một cách bền vững, các đơn vị và nhà nước cần tăng cường hơn các công tác trong trình tự thực hiện và chọn lọc có hiệu quả.