- 1. Tìm hiểu Việt kiều là gì?
- 2. Phân biệt Việt kiều và người gốc Việt
- 3. Những chính sách đối với Việt kiều như thế nào?
- 3.1 Việt kiều có được mua nhà tại Việt Nam không?
- 3.2 Việt Kiều được sở hữu nhà trong thời hạn bao lâu?
- 3.3 Việt kiều có được cấp Căn cước công dân gắp chip không?
- 3.4 Việt kiều có được thành lập công ty tại Việt Nam?
- 4. Kết luận
1. Tìm hiểu Việt kiều là gì?
Việt kiều là tên thường gọi của “người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Theo khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 có quy định như sau:
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Theo đó, Việt kiều được hiểu là những công dân Việt Nam đang cư trú và sinh sống ở ngoài lãnh thổ nước Việt Nam. Họ có thể vẫn đang còn quốc tịch Việt Nam và/hoặc đang có quốc tịch của quốc gia họ đang sinh sống.
2. Phân biệt Việt kiều và người gốc Việt
Chúng ta thường dễ nhầm lẫn giữa hai khái niệm Việt kiều và người gốc Việt. Vậy người gốc Việt là gì? Việt kiều và người gốc Việt khác nhau như thế nào?
Người gốc Việt là người sinh ra và mang quốc tịch ở nước ngoài nhưng có cha ruột hoặc mẹ ruột, hoặc cả cha mẹ ruột, hoặc tổ tiên đều là người Việt Nam.
Qua khái niệm trên, chúng ta đã có thể dễ dàng phân biệt được sự khác nhau cơ bản giữa Việt kiều và người gốc Việt dựa vào đặc điểm nơi sinh và quốc tịch.
Việt kiều là công dân Việt Nam, nghĩa là những người này sinh ra tại Việt Nam. Nhưng vì lý do công việc, học tập hoặc lý do nào đó nên họ mới sang nước ngoài để sinh sống.
Người gốc Việt là người sinh ra ngay tại nước ngoài. Nhưng có huyết thống cha mẹ ruột, ông bà…là người việt Nam.
3. Những chính sách đối với Việt kiều như thế nào?
Đảng và Nhà nước ta luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi thông qua những chính sách dành cho Việt kiều. Qua đó, Việt kiều có thể dễ dàng thực hiện một số hoạt động tại Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật. Dưới đây là những nội dung được các Kiều bào quan tâm nhiều nhất.
3.1 Việt kiều có được mua nhà tại Việt Nam không?
Căn cứ theo Điều 7 Luật Nhà ở 2014, những đối tượng dưới đây được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
Điều 7. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này.
Như vậy, Việt kiều thuộc nhóm đối tượng được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Bên cạnh đó, những người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam còn phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện theo Điều 8 của Luật Nhà ở 2014:
Là người thuộc diện được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Được sở hữu nhà ở thông qua các hình thức: Mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, thừa kế, đổi nhà ở của cá nhân, hộ gia đình; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự xây nhà ở.
3.2 Việt Kiều được sở hữu nhà trong thời hạn bao lâu?
Căn cứ Luật Nhà ở 2014, Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam không bị giới hạn về thời hạn, được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài, trừ trường hợp được quy định tại Điều 123 Luật Nhà ở 2014 thì việc sở hữu nhà ở sẽ có thời hạn theo hợp đồng mua bán nhà ở.
Cụ thể, trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền thuê đất ở và tài sản gắn liền với đất thì người bán được bán cho người mua trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán.
Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không bị giới hạn về thời hạn khi sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trừ trường hợp thực hiện giao dịch mua bán nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại có thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán.
3.3 Việt kiều có được cấp Căn cước công dân gắp chip không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân thì công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.
Đồng thời, Việt kiều được xem là công dân Việt Nam nếu vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam. Do đó, nếu người Việt Nam định cư tại nước ngoài vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam và từ đủ 14 tuổi trở lên thì vẫn sẽ được cấp Căn cước công dân gắn chip theo quy định của pháp luật.
3.4 Việt kiều có được thành lập công ty tại Việt Nam?
Hiện tại không có quy định nào cấm Việt kiều thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, căn cứ vào Luật Doanh nghiệp năm 2020, cần xác định cá nhân Việt kiều thuộc trường hợp nào trong hai trường hợp dưới đây khi thành lập công ty để thực hiện những thủ tục pháp lý phù hợp theo quy định:
Việt kiều vẫn mang quốc tịch Việt Nam: thì được xem như những nhà đầu tư bình thường khác trong nước, được hưởng quyền và lợi ích cũng như thực hiện nghĩa vụ giống như những cá nhân, tổ chức Việt Nam khác trong nước.
Việt kiều không còn mang quốc tịch Việt Nam: thì được coi là người nước ngoài và chỉ được thành lập doanh nghiệp theo hình thức công ty cổ phần, công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn.
4. Kết luận
Như vậy, thông qua bài viết này, chúng ta đã hiểu rõ hơn Việt kiều là gì cũng như những chính sách phổ biến có liên quan dành cho kiều bào nước ngoài. Từ đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận, nắm bắt, hiểu biết hơn về những quy định trong nước.
Đồng thời, cũng giúp những người con Việt Nam xa xứ có cơ hội, điều kiện thuận lợi trong việc tham gia vào nền kinh tế nước nhà, đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương đất nước.