[HƯỚNG DẪN] Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề

Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề nhằm phục vụ cho quá trình học tập của học sinh. Thậm chí, người đi làm cũng cần viết báo cáo cho công việc. Sau đây là hướng dẫn cách viết và 4 bài mẫu báo cáo nghiên cứu về một vấn đề. Các bạn cùng tham khảo nhé!

1. Cách viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề

Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề có ba phần: Mở đầu, nội dung, kết luận
Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề có ba phần: Mở đầu, nội dung, kết luận. (Ảnh minh hoạ)

Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề có 3 phần: Mở đầu, nội dung và kết luận.

1.1 Phần mở đầu

  • Nêu ra đề tài (vấn đề) đang nghiên cứu

  • Nêu lý do chọn đề tài, mục đích nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu.

1.2 Phần nội dung

  • Trình bày từng kết quả nghiên cứu đã đút kết. Đề ra các dẫn chứng, lập luận để chứng minh cho những luận điểm nêu ra.

  • Có thể tham khảo (kèm trích dẫn) nghiên cứu trước đó. Người báo cáo có thể ghi chú, thống kê về đối tượng nghiên cứu để tăng tính chính xác.

  • Để tăng tính thuyết phục và hấp dẫn, bạn nên nên so sánh với các đối tượng nghiên cứu khác.

1.3 Phần kết luận

  • Nêu súc tích tầm quan trọng, ý nghĩa vấn đề nghiên cứu

  • Trình bày những đề xuất và khuyến nghị (nếu có)

Bạn có thể cố gắng tìm tòi để nhìn vấn đề nghiên cứu một cách toàn diện. Tránh vấn đề đạo văn, mượn nghiên cứu của tác giả khác mà không trích dẫn. Báo cáo nghiên cứu về một vấn đề có thể trích dẫn và sử dụng các bảng biểu hỗ trợ.

2. Một số mẫu báo cáo nghiên cứu về một vấn đề

Dưới đây là 4 mẫu báo cáo nghiên cứu về một vấn đề. Bạn có thể chọn mẫu phù hợp với vấn đề nghiên cứu của mình.

(1) Báo cáo nghiên cứu về vấn đề đời sống  

Báo cáo về phòng, chống bạo lực gia đình

Mở đầu: 

Bạo lực gia đình xuất hiện trên toàn cầu. Vì thế, những công cuộc đòi lại quyền bình đẳng cho phụ nữ đã diễn ra không ít. Vấn đề này gây ra tổn thất thể thể chất và tinh thần với nạn nhân. Thậm chí, việc này cản trở cơ hội phát triển của nạn nhân như phụ nữ, em gái.

Mục đích của nghiên cứu: Tìm hiểu thực trạng và tác động của bạo lực gia đình

Đối tượng nghiên cứu: Các hành vi bạo lực gia đình

Phạm vi nghiên cứu: Một bộ phận người dân ở năm tỉnh thành:

  • Ninh Bình

  • Lào Cai

  • Thừa Thiên Huế

  • Đăk Lăk

  • An Giang

Phương pháp nghiên cứu: So sánh, đối chiếu, tổng hợp, hệ thống.

Nội dung: 

Vào năm 2017, Viện Nghiên cứu gia đình đã có khảo sát tại năm tỉnh về bạo lực gia đình. Năm tỉnh đó là Ninh Bình, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk, An Giang. Kết quả cho thấy 47% phản hồi từng một lần bị bạo lực từ khi sinh ra. Trong 12 tháng qua, 31,9% nạn nhân bị ít nhất một hành động bạo lực từ người thân.

Hành vi bạo lực tinh thần chiếm chủ yếu. Những hành vi đó là chửi, mắng, cấm tiếp xúc, thăm nom người thân, gặp gỡ bạn bè. Ngoài ra, nạn nhân còn bị cấm tham gia hoạt động trong cộng đồng. Các hành động như kiểm soát sinh hoạt thường ngày, ghen cũng thường xuất hiện. Hành vi bạo lực thể chất kể đến như đánh, nắm tóc, trói, tát, đập phá đồ đạc…

Nguyên nhân chủ yếu gây ra bạo lực với phụ nữ là chồng uống rượu bia. Ngoài ra, định kiến thấp về vai trò của phụ nữ từ khuôn mẫu văn hóa cũng là nguồn cơn. Người chồng có trải nghiệm bạo lực thuở bé cũng tác động một phần đến bạo lực gia đình. Hiện nay, xuất hiện các nguyên nhân khác như thiếu việc làm, kinh tế khó khăn, con cái ăn chơi..

Hậu quả của bạo lực gia đình là ly thân, ly hôn. Bạo lực gia đình ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân. Họ có thể mất tự trọng, thậm chí coi bạo lực là hiển nhiên và nhận lỗi về phần mình. Bạo lực gia đình còn ảnh hưởng đến những đứa trẻ chứng kiến điều đó. Trẻ có thể lớn lên với sự tổn thương, nhút nhát, sợ hãi thế giới xung quanh.

Kết luận 

Mặc dù đã có những biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, vấn đề vẫn còn tiếp diễn. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các thành viên trong gia đình. Chúng ta cần nâng cao ý thức phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, xã hội cần quyết tâm đẩy lùi tình trạng này càng sớm càng tốt.

Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến tâm hồn của đứa trẻ
Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến tâm hồn của đứa trẻ (Ảnh minh hoạ)

(2) Báo cáo nghiên cứu về vấn đề xã hội  

Báo cáo về ảnh hưởng của mạng xã hội Facebook     

Mở đầu: 

Xã hội càng hiện đại con người có nhiều cơ hội hơn để tiếp xúc với nền tảng công nghệ. Facebook là mạng xã hội phổ biến. Tuy nhiên, sự ưa chuộng mạng xã hội này một phần dẫn đến chứng nghiện mạng xã hội. Điển hình là một bộ phận giới trẻ nghiện Facebook dẫn đến chểnh mảng học hành. Do đó, vấn đề này đang trở nên đáng báo động trong xã hội ngày nay.

Mục đích của nghiên cứu: 

  • Nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của Facebook với học sinh.

  • Thống kê thời gian dành cho Facebook của học sinh.

Đối tượng nghiên cứu: Ảnh hưởng của Facebook đến học sinh.

Phạm vi nghiên cứu: 120 học sinh (lớp 11) ở trường THPT Tây Hồ.

Phương pháp nghiên cứu: So sánh, đối chiếu, tổng hợp, hệ thống.

Nội dung: 

Hiện nay, Facebook đang thu hút lượng lớn học sinh trường THPT Tây Hồ. Mọi người đã sử dụng facebook như một thói quen. Theo khảo sát, đến 82% số người không muốn từ bỏ mạng xã hội này. Với các bạn học sinh lớp 11, đến 83,9% trả lời có thể tránh ảnh hưởng xấu từ Facebook. Cùng đối tượng, 69,9% không sẵn sàng bỏ facebook trong tương lai.

Về thời gian, 34,9% học sinh lớp 11 của trường dùng Facebook bất kì thời gian nào trong ngày. Việc này dẫn đến tốn thời gian (52,4% phản hồi). 1 - 2 giờ là khoảng thời gian sử dụng của 41,3%, 3 giờ chiếm 30,2% phản hồi. Những tác động khác như ảnh hưởng đến sức khỏe, cách ứng xử, ý thức.

Các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của việc lạm dụng Facebook:

  • Giới hạn thời gian sử dụng Facebook ở mức phù hợp trong ngày.

  • Cân nhắc kỹ lưỡng khi chia sẻ bất cứ thông tin gì trên Facebook, vì nó có sức lan tỏa lớn.

  • Gia đình, nhà trường cần hướng dẫn cách sử dụng giúp cho những mục tiêu học tập, giải trí.

Kết luận: 

Facebook là một phần khó thiếu trong xã hội kết nối cả trực tiếp và trực tuyến. Bên cạnh những điểm tốt, việc dùng Facebook sẽ gây tác động xấu nếu chúng ta lạm dụng. Học sinh nên tận dụng những cơ hội, khắc phục những thói quen không tốt từ nền tảng này.

Học sinh nên sử dụng Facebook với thời lượng phù hợp
Học sinh nên sử dụng Facebook với thời lượng phù hợp (Ảnh minh hoạ)

(3) Báo cáo nghiên cứu về vấn đề văn học dân gian 

Báo cáo về vấn đề văn học dân gian Thánh Gióng

Mở đầu: 

Thánh Gióng là truyền thuyết tiêu biểu thuộc văn học dân gian. Truyện diễn ra vào thời Hùng Vương thứ sáu. Truyện kể Thánh Gióng đánh đuổi thành công giặc Ân. Thánh Gióng là nhân vật nổi bật trong câu chuyện này.

Mục đích của nghiên cứu: Tìm hiểu sự ảnh hưởng của hình tượng nhân vật Thánh Gióng

Đối tượng nghiên cứu:

  • Nhân vật Thánh Gióng trong truyền thuyết Thánh Gióng.

  • Những vết tích được cho là có liên quan đến truyền thuyết.

Phạm vi nghiên cứu: Truyện Thánh Gióng, những vết tích ở Gia Bình.

Phương pháp nghiên cứu: Tổng hợp, hệ thống

Nội dung:

Có hai vợ chồng phúc đức, chăm chỉ làm lụng nhưng mãi chưa có con. Một hôm, người vợ ướm chân mình với vết chân to trên đường, về liền mang thai.

Có nhiều chi tiết thể hiện sự lớn lên kỳ lạ của Gióng. Chi tiết là bà sinh sau mười hai tháng, cậu bé vẫn không biết nói cười đến ba tuổi.

Một hôm, giặc Ân đến xâm chiếm nước ta. Nhà vua tìm người cứu nước. Đột nhiên Gióng gọi Sứ giả vào, nói tâu với vua sắm cho cậu các vật dụng đánh giặc. Vật dụng gồm ngựa sắt, roi sắt và áo giáp sắt.

Sau đó, Gióng lớn nhanh. Cậu ăn mấy cũng không no, áo mặc càng không vừa. Khi giặc đến, cùng dụng cụ đánh giặc đầy đủ, Gióng vươn vai từ cậu bé trở thành tráng sĩ. Gióng dũng mãnh đánh thắng quân giặc.

Đánh giặc xong, tráng sĩ cởi giáp sắt, cưới ngựa bay về trời. Vua cảm tạ công ơn bằng cách tôn ông là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ.

Sức mạnh của Thánh Gióng tượng trưng cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Một người dũng mãnh, oai phong lẫm liệt và không chịu khuất phục.

Dấu tích dựa trên câu chuyện này thể hiện niềm tin của nhân dân vào sự kiên cường dân tộc. Các dấu tích này là: bụi tre vàng óng ở Gia Bình (do ngựa phun), ao hồ (vết chân ngựa)...

Kết luận

Hình ảnh Thánh Gióng đã ăn sâu vào tâm trí của người dân. Nhân vật này là biểu tượng cho sự hào hùng của những người anh hùng vì nước, vì dân.

Thánh Gióng tượng trưng cho sức mạnh dân tộc Việt Nam
Thánh Gióng tượng trưng cho sức mạnh dân tộc Việt Nam (Ảnh minh hoạ)

(4) Báo cáo nghiên cứu về vấn đề tự nhiên

Báo cáo về biến đổi khí hậu

Mở đầu:   

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức trong thế kỷ 21. Các hiện tượng khí hậu như thiên tai, tăng mực nước biển đã khiến nhiều quốc gia lo lắng. Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng cũng không phải ngoại lệ.

Mục đích của nghiên cứu: Tìm hiểu tác động và đề ra giải pháp hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu

Đối tượng nghiên cứu: Các hiện tượng biến đổi khí hậu

Phạm vi nghiên cứu: Châu Á, Việt Nam

Phương pháp nghiên cứu: So sánh, đối chiếu, tổng hợp, hệ thống.

Nội dung:

Khoảng hơn 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tăng xấp xỉ 0,7 độ C. Với nước biển, mực nước đã dâng tầm 20 cm. Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong năm nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng bằng sông Mê Kông và sông Hồng bị ngập nặng nhất.

Với sự nóng lên toàn cầu, băng tuyết sẽ tan nhanh trong các thập niên sắp tới. Thế kỷ XX, mực nước biển ở châu Á trung bình dâng 2,4 mm/năm. Mực nước biển được dự báo sẽ dâng cao hơn trong thế kỷ XXI.

Mực nước biển dâng ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế người dân và GDP quốc gia. Thậm chí, điều này có thể nhấn chìm nơi ở của người dân Việt Nam tại các khu vực thấp. Ngoài ra, mực nước biển dâng làm nguồn nước ngọt châu Á khan hiếm hơn.

Năm 2005, đất bị xâm nhập mặn sớm và độ mặn cao ở đồng bằng sông Cửu Long. Xâm nhập mặn đã sâu ở phạm vi 60 - 80 km ở sông Hàm Luông, sông Tiền, sông Cổ Chiên. Vấn đề nhiễm mặn ở vùng ven biển còn diễn ra tại nhiều khu vực khác.

Hiện tượng nước mặn sâu, giảm nguồn nước tại hạ lưu đã ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp. Những ngành nghề cần nước ngọt bị ảnh hưởng mạnh. Tuy nhiên, người dân sản xuất nông nghiệp đã chủ động thích ứng với tình trạng này. Một trong những giải pháp là nhân rộng những mô hình sinh kế để thích ứng mặn.

Có một số cách thiết thực để hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu. Các biện pháp có thể kể đến như tiết kiệm năng lượng, nước, giảm rác thải, trồng cây xanh. Ngoài ra, việc dùng sản phẩm thân thiện môi trường cũng là giải pháp để hạn chế tình trạng này.

Kết luận

Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân. Chúng ta cần có các biện pháp ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu. Đồng thời, mọi người cần có ý thức trong sinh hoạt để góp phần hạn chế tình trạng này.

Trên đây là cách viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề và 4 bài mẫu. Mong rằng bạn đã có nhiều tư liệu hữu ích để triển khai báo cáo. Chúc bạn viết báo cáo nghiên cứu thành công!
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục