1. Viêm amidan là gì?
1.1 Khái niệm
Viêm amidan là tình trạng amidan bị tổn thương, gây nên các triệu sưng, viêm hoặc đau họng. Do amidan là một trong những bộ phận đầu tiên tiếp xúc và ngăn chặn các tác nhân gây hại từ bên ngoài nên amidan rất dễ bị tổn thương. Nếu tình trạng tổn thương nhiều sẽ dẫn đến viêm amidan.
1.2 Các dạng viêm amidan
Theo Quyết định số 5643/QĐ-BYT, viêm amidan được chia thành 2 dạng: viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính. Hai dạng viêm amidan này được nêu tại quyết định của Bộ Y tế như sau:
Viêm amidan cấp tính
Viêm amidan cấp tính là viêm sung huyết và xuất tiết của amidan khẩu cái, thường gặp ở trẻ ở lứa tuổi học đường 5-15 tuổi, do vi khuẩn hoặc virus gây nên, thường thấy ở thời kỳ đầu của nhiều bệnh viêm nhiễm vì vậy có người coi amidan là “cửa vào” của một số vi khuẩn hay virus như: viêm khớp cấp, bại liệt, dịch viêm não, viêm màng não
Viêm amidan mạn tính
Viêm amidan mạn tính là hiện tượng viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần của amidan khẩu cái. Tùy theo mức độ viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể, amidan viêm có thể phát triển to lên (viêm quá phát) thường gặp ở trẻ em hay người trẻ tuổi, hoặc amidan có thể nhỏ lại (viêm xơ teo)
Việc nhận biết được viêm amidan là gì sẽ giúp bạn sớm phát hiện tình trạng bệnh và dễ dàng chữa trị. Đồng thời, việc phát hiện viêm amidan sớm sẽ giúp bạn hạn chế được tình trạng đau, khó chịu do bệnh trở nặng.
2. Các nguyên nhân gây viêm amidan
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm amidan, sau đây là một số nguyên nhân phổ biến của bệnh.
2.1 Do virus, vi khuẩn, vi nấm
Adenovirus và Streptococcus nhóm A hay còn gọi là liên cầu khuẩn nhóm A là loại virus và vi khuẩn chủ yếu gây viêm amidan. Đây cũng là một trong những loại vi khuẩn gây nhiễm trùng họng và các vùng da trên cơ thể.
2.2 Chấn thương
Amidan vốn là các mô khá mềm, do đó rất dễ bị các tổn thương do lực tác động. Việc bạn vệ sinh răng miệng có thể vô tình tiếp xúc với amidan. Trong trường hợp nếu bạn dùng lực mạnh hoặc dụng cụ vệ sinh sắc bén có thể gây tổn thương amidan. Trong trường này bạn sẽ thấy amidan đỏ và đau.
2.3 Trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm amidan. Trào ngược dạ dày gây viêm amidan là vì chất dịch từ dạ dày trào ngược lên trên, tiếp xúc và đọng lại ở bề mặt amidan. Từ đó gây mất vệ sinh vùng amidan, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và dẫn đến viêm amidan.
2.4 Do các bệnh lý từ vùng mũi, xoang
Đường họng và đường mũi có sự liên thông với nhau. Do đó, nếu vùng mũi của bạn gặp vấn đề thì rất dễ lây lan xuống vùng họng, tiếp xúc với amidan và gây viêm.
3. Các triệu chứng của viêm amidan
Viêm amidan được biểu hiện qua rất nhiều triệu chứng. Nhưng các triệu chứng của viêm amidan thường dễ nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe thông thường. Sau đây là một số triệu chứng của viêm amidan:
3.1 Đau cổ họng
Đau cổ họng là triệu chứng người bệnh sẽ cảm nhận được sớm nhất khi bị viêm amidan. Tuy nhiên, đau cổ họng là một triệu chứng phổ biến nên nhiều người thường xem nhẹ triệu chứng này.
Tuy nhiên, đau cổ họng thông thường có xu hướng mau khỏi. Trong trường hợp bạn bị đau họng trong một thời gian dài hơn thông thường thì bạn cần đến bác sĩ để kiểm tra vì rất có thể bạn đã bị viêm amidan.
3.2 Amidan sưng đỏ
Amidan sưng đỏ là triệu chứng có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Amidan bị sưng đỏ là do các tổn thương gây nên.
Nếu phát hiện amidan bị sưng đỏ kèm theo đau, bạn cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ và súc miệng với nước muối. Nếu tình trạng sưng đau kéo dài thì bạn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
3.3 Xuất hiện lớp dịch phủ trắng hoặc vàng
Lớp dịch phủ màu trắng hoặc vàng trên amidan cũng là một dấu hiệu cho thấy có thể bạn đã bị viêm amidan. Lớp dịch phủ này chính là mủ từ amidan bị viêm và thường sẽ kèm theo mùi khó chịu.
3.4 Xuất hiện vết phồng rộp hoặc vết loét trên cổ họng
Đây cũng là một triệu chứng của viêm amidan. Nhưng khi xuất hiện triệu chứng này chứng tỏ tình trạng viêm đã trở nặng. Bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
3.5 Đau đầu, đau tai
Khi bị viêm amidan thường người bệnh có thể cảm thấy đau, ù tai. Sở dĩ người bệnh có thể bị đau, ù tai là do họng và tai cùng chia sẻ đường dây thần kinh. Cảm giác đau thường tăng lên khi nuốt.
3.6 Khó nuốt
Khó nuốt khi ăn chính là triệu chứng đi kèm với đau họng. Người bị viêm amidan thường sẽ gặp hiện tượng amidan bị sưng tấy, mủ . Từ đó gây đau đớn và khó khăn trong việc nuốt thức ăn.
3.7 Xuất hiện hạch ở cổ hoặc hàm
Nổi hạch chính là cơ chế của cơ thể khi phát hiện các tác nhân xấu từ bên ngoài xâm nhập vào. Viêm amidan cũng là một dạng phản ứng của cơ thể trước các tác nhân xấu xâm nhập. Do đó thông thường người viêm bị viêm amidan sẽ kèm theo triệu chứng xuất hiện hạch ở khu vực cổ hoặc hàm.
3.8 Hôi miệng
Hôi miệng vốn là biểu hiện của việc vệ sinh răng miệng chưa sạch sẽ. Tuy nhiên nếu như bạn vệ sinh răng miệng sạch sẽ mà vẫn phát hiện mùi hôi miệng thì khả năng cao là bạn đã viêm amidan.
Mùi hôi miệng do viêm amidan thường xuất phát từ họng. Mùi hôi này chính là do các chất dịch, mủ của amidan bị viêm gây nên.
3.9 Giọng nói khó nghe
Viêm amidan thường khiến giọng nói có người bệnh thay đổi theo xu hướng khó nghe hơn. Nguyên nhân của vấn đề này chính là do amidan bị phình to hơn bình thường. Từ đó gây chèn ép cổ họng, gây nên chèn ép thanh quản, đau khi phát âm.
4. Cách điều trị viêm amidan theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Vấn đề điều trị viêm amidan được quy định tại mục 4 Quyết định 5643/QĐ-BYT năm 2015. Phương pháp điều trị viêm amidan theo Quyết định này như sau:
4.1 Đối với viêm amidan cấp tính
Người bệnh cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước. Trong trường hợp đau, sốt thì có thể sử dụng paracetamol. Nếu xuất hiện nhiễm khuẩn thì có thể dùng kháng sinh nhóm β lactam hoặc macrolid.
Người bệnh cần dùng thuốc sát trùng nhẹ để nhỏ mũi và súc miệng bằng các dung dịch kiềm ấm. Sử dụng các yếu tố vi lượng, calci để nâng đỡ cơ thể.
4.2 Đối với viêm amidan mạn tính
Theo quyết định này, bạn có thể được chỉ định phẫu thuật nếu:
Viêm amidan 5 - 6 lần 1 năm.
Viêm amidan mạn tính gây áp xe, viêm tấy quanh amidan.
Viêm amidan mạn tính gây viêm tai giữa, viêm mũi, viêm xoang…
Viêm amidan mạn tính gây viêm cầu thận, viêm màng trong tim, nhiễm khuẩn huyết…
Viêm amidan mạn tính gây khó thở, khó nuốt.
5. Cách phòng ngừa viêm amidan
Việc biết và thực hiện tốt các cách phòng ngừa bệnh sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc phòng bệnh. Quyết định số 5643/QĐ-BYT năm 2015 có hướng dẫn cách phòng ngừa viêm amidan như sau.
5.1 Nâng cao mức sống
Để phòng ngừa viêm amidan, trước tiên bạn cần nâng cao mức sống. Tốt nhất bạn nên sống trong môi trường sạch, không bị ô nhiễm. Vì nếu bạn có amidan nhạy cảm thì sẽ rất dễ tổn thương trước các tác nhân bên ngoài như ô nhiễm, nhiệt độ.
Bên cạnh đó, bạn cần phải chủ động có cách bảo vệ sức khỏe trong các các giai đoạn giao mùa, đặc biệt là trong các mùa dễ xuất hiện các bệnh về đường hô hấp.
5.2 Phòng hộ lao động tốt, sống lành mạnh
Bạn cần có các biện pháp phòng hộ lao động tốt khi làm việc trong các môi trường khắc nghiệt. Việc làm việc trong môi trường có quá nhiều bụi, quá nóng hay quá lạnh sẽ dễ khiến tổn thương amidan. Do đó, khi làm việc trong các môi trường này bạn cần có các biện pháp bảo hộ lao động an toàn.
Việc sống một lối sống lành mạnh,nâng cao sức đề kháng, tránh xa các thuốc lá và rượu bia cũng góp phần phòng viêm amidan. Bên cạnh đó, bạn cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để tránh trường hợp môi trường khoang miệng bẩn gây viêm amidan.
Nếu bạn đang có các bệnh về mũi xoang, viêm V.A thì cần chữa triệt để để tránh gây amidan vì mũi và họng vốn được thông với nhau. Đối với trẻ em, bạn có thể tiêm chủng mở rộng triệt để để ngăn ngừa viêm amidan ở trẻ.
5.3 Điều trị viêm mũi họng cấp tính đúng quy cách
Các bệnh về mũi và họng vốn rất dễ gây viêm amidan vì các đường này vốn thông với nhau. Do đó bạn cần chữa trị các bệnh này kịp thời, tránh để bệnh xuất hiện biến chứng và gây viêm amidan.