Tuổi vị thành niên là bao nhiêu tuổi? Các quy định liên quan tuổi vị thành niên

Tuổi vị thành niên là giai đoạn trẻ em có sự thay đổi rõ ràng trong quá trình phát triển thể chất, trí tuệ và cảm xúc. Vậy độ tuổi nào được xem là trẻ vị thành niên? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết dưới đây nhé.

1. Trẻ vị thành niên là gì?

Trẻ vị thành niên là người chưa đến độ tuổi được pháp luật coi là đủ khả năng để sử dụng quyền, làm nghĩa vụ và chịu trách nhiệm.

Pháp luật luôn có quy định riêng đối với trẻ vị thành niên
Pháp luật luôn có quy định riêng đối với trẻ vị thành niên (Ảnh minh hoạ)

Trẻ vị thành niên là giai đoạn có nhiều biến động, phát triển phức tạp hơn các giai đoạn trước. Ở giai đoạn này, trẻ vị thành niên sẽ có những thay đổi lớn về mặt tâm lý và thể chất. Trẻ có tính độc lập hơn, thích thể hiện bản thân, thích mộng mơ và có những thay đổi lớn về mặt nhận thức, trí não,...

2. Độ tuổi vị thành niên là bao nhiêu tuổi?

Theo Điều 1, Luật Trẻ em 2016, số 102/2016/QH13 quy định:

Trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Tại khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 có quy định:

Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.

Tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:

Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

Tuy nhiên, Nhà nước chưa có một quy định nào của pháp luật quy định về độ tuổi của tuổi vị thành niên. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) độ tuổi vị thành niên thuộc lứa tuổi 10-19 tuổi.

Theo WHO độ tuổi vị thành niên thuộc lứa tuổi 10-19 tuổi
Theo WHO độ tuổi vị thành niên thuộc lứa tuổi 10-19 tuổi (Ảnh minh hoạ)

Như vậy, hiện nay Việt Nam không có quy định cụ thể về độ tuổi vị thành niên là bao nhiêu tuổi. Pháp luật Việt Nam chỉ quy định về người thành niên là người từ đủ 18 tuổi, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi và trẻ em là người dưới 16 tuổi.

3. Năng lực hành vi của tuổi vị thành niên theo quy định

Để xác định được năng lực hành vi của tuổi vị thành niên (từ 10 - 19 tuổi), cần xác định năng lực hành vi đối với người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) và người thành niên (từ 18 tuổi trở lên) theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.

3.1 Năng lực hành vi đối với người chưa thành niên

Căn cứ Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định năng lực hành vi của người chưa thành niên như sau:

  • Đối với người chưa đủ 06 tuổi thì các giao dịch dân sự phải do người đại diện của người đó theo Pháp luật xác lập và thực hiện.

  • Đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự; trừ trường hợp giao dịch liên quan đến bất động sản và các giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo Pháp luật đồng ý.

  • Đối với người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được sự đồng ý của người đại diện theo Pháp luật, trừ những giao dịch dân sự phù hợp với lứa tuổi và phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

3.2 Năng lực hành vi đối với người thành niên

Theo Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23, 24 của Bộ luật này.

Theo đó, trừ những trường hợp mất năng lực hành vi, người khó khăn trong việc làm chủ hành vi thì người thành niên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Mỗi cá nhân sẽ đều có khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự.

3.3 Những trường hợp không có năng lực hành vi

Theo Điều 22, 23, 24 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về các trường hợp không có năng lực hành vi, cụ thể như sau:

  • Người mất năng lực hành vi dân sự: Khi một người bị mắc bệnh khiến bản thân không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền hoặc lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của kết quả giám định tâm thần. Đối với người này, giao dịch dân sự sẽ do người đại diện theo Pháp luật xác lập và thực hiện.

  • Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Người do tình trạng thể chất và tinh thần mà gây khó khăn trong việc nhận thức và làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền và lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định người này không đủ khả năng nhận thức và chỉ định người giám hộ, xác nhận quyền và nghĩa vụ của người giám hộ.

  • Người hạn chế năng lực hành vi dân sự: Những người nghiện ma túy hoặc các chất kích thích khác gây ra phá tán tài sản gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền hoặc người có lợi ích liên quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này, Tòa án quyết định người đại diện cho người đó theo quy định Pháp luật và phạm vi đại diện.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người là mất năng lực hành vi dân sự, người khó khăn trong nhận thức hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc người có quyền và lợi ích liên quan, Tòa án sẽ ra quyết định hủy bỏ tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, người khó khăn trong nhận thức hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đối với người đó.

4. Tuổi vị thành niên phạm tội bị xử lý như thế nào?

Tùy theo mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi phạm tội sẽ có những mức xử lý khác nhau. Căn cứ theo Điều 98, 99, 100, 101 Bộ Luật Hình sự 100/2015/QH13 và sửa đổi, bổ sung 2017 số 12/2017/QH14, các hình thức xử lý đối với người dưới 18 tuổi (trong đó có những người thuộc độ tuổi vị thành niên) như sau:

4.1 Hình phạt cảnh cáo

  • Là biện pháp xử lý nhẹ mang tính giáo dục.

  • Đối tượng áp dụng: Áp dụng với đối tượng trong trường hợp hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

 4.2 Phạt tiền

  • Là hình phạt chính với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thu nhập hoặc tài sản riêng.

  • Căn cứ vào tình tiết, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và tài chính của người vi phạm để quyết định mức phạt. Tuy nhiên, mức phạt không quá ½ mức phạt theo quy định của Bộ luật hình sự.

Mức phạt sẽ phụ thuộc vào mức độ hành vi và tài chính của người vi phạm
Mức phạt sẽ phụ thuộc vào mức độ hành vi và tài chính của người vi phạm (Ảnh minh hoạ)

4.3 Cải tạo không giam giữ

  • Đối tượng áp dụng: Áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi có hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý. Trong trường hợp này, người vi phạm sẽ không bị khấu trừ thu nhập (nếu có).

  • Thời hạn cải tạo: Không quá ½ thời hạn theo quy định của điều luật.

4.4 Phạt tù có thời hạn

  • Đối tượng áp dụng: Người có hành vi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mà không thể áp dụng các hình phạt khác nhẹ hơn.

  • Đối với người thuộc từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì phạt tù không quá 18 năm tù giam. Trường hợp điều luật quy định hình phạt cao nhất là tù có thời hạn thì phạt tù không quá ¾ mức phạt.

  • Đối với người có độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì phạt tù không quá 12 năm. Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là tù có thời hạn thì phạt tù không quá ½ số năm phạt tù.

Trong trường hợp người dưới 18 tuổi bị kết án nhưng được coi là không có án tích nếu người đó có độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý hoặc trường hợp người bị áp dụng biện pháp tư pháp.

Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xóa án tích nếu trong thời hạn 3 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới tính từ khi hết hiệu lực thi hành bản án.

Trên đây là bài viết chia sẻ về tuổi vị thành niên và những quy định có liên quan đến tuổi vị thành niên. Hy vọng, bài viết sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục