Tước quân tịch là gì? Trường hợp nào quân nhân bị tước quân tịch?

Tước quân tịch là một biện pháp xử lý đối với quân nhân vi phạm pháp luật. Vậy tước quân tịch là gì? Và với trường hợp nào thì quân nhân bị tước quân tịch? Hãy cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây.
Tước quân tịch là gì?
Tước quân tịch là gì? (Ảnh minh hoạ)

1. Quân tịch là gì?

Quân tịch là một danh hiệu chỉ chức danh của một quân nhân tại ngũ được ghi nhận trong danh sách quân nhân. Chức danh này bao gồm các quyền lợi, nghĩa vụ được luật pháp, các điều lệnh và điều lệ quân đội, các văn bản quy phạm pháp luật khác của Nhà nước quy định.

2. Tước quân tịch là gì?

Hiện nay, pháp luật nước ta vẫn chưa có một định nghĩa cụ thể về tước quân tịch. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu tước quân tịch là một hình thức kỷ luật  đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thông qua việc tước đi danh hiệu.

Tước quân tịch (hay tước danh hiệu quân nhân) là việc quân nhân đó bị xóa tên khỏi danh sách quân nhân (có nghĩa là không còn tên trong hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam) và bị tước đi mọi quyền lợi và phúc lợi mà bản thân quân nhân và gia đình đó được hưởng từ danh hiệu quân nhân.

Tước quân tịch là hình thức kỷ luật được áp dụng đối với quân nhân
Tước quân tịch là hình thức kỷ luật được áp dụng đối với quân nhân (Ảnh minh hoạ)

Tước quân tịch là hình thức kỷ luật cao nhất, được áp dụng khi quân nhân vi phạm một cách nghiêm trọng các quy định, nguyên tắc, hoặc đạo đức trong ngành quân đội. Các hành vi như tham nhũng, lạm dụng quyền lực, thực hiện các hành động không phù hợp với tư cách quân nhân có thể bị tước quân tịch.

Tước quân tịch không phải là một biện pháp kỷ luật được áp dụng thường xuyên trong quân đội, biện pháp này chỉ áp dụng với các trường hợp nghiêm trọng và khẩn cấp nhằm để duy trì tính kỷ luật và uy tín của quân đội. Bên cạnh đó, việc quy định rõ ràng về tước quân tịch góp phần tăng cường tính minh bạch và công bằng trong quản lý và kỷ luật quân sự.

3. Các trường hợp quân nhân bị tước quân tịch

Căn cứ Chương 2 Xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định các trường hợp quân nhân bị tước quân tịch như sau:

(1) Chống mệnh lệnh (Điều 13)

Không chấp hành mệnh lệnh hoặc không thực hiện nhiệm vụ khi người chỉ huy trực tiếp hoặc cấp có thẩm quyền giao mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
  • Lôi kéo người khác tham gia;
  • Trong sẵn sàng chiến đấu;
  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm.

(2) Làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên (Điều 16)

Dùng lời nói, hành động xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín, thân thể người chỉ huy hoặc cấp trên thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Là sĩ quan;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Lôi kéo người khác tham gia.

(3) Làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới (Điều 17) 

Người chỉ huy hoặc cấp trên dùng lời nói hoặc có hành động xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, thân thể của cấp dưới thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

(4) Làm nhục, hành hung đồng đội (Điều 18)

Dùng lời nói hoặc có hành động xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, thân thể đồng đội mà giữa họ không có quan hệ chỉ huy và phục tùng thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Lôi kéo người khác tham gia;
  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
  • Gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

(5) Đào ngũ (Điều 20)

Tự ý rời khỏi đơn vị lần đầu quá 03 (ba) ngày đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; quá 07 (bảy) ngày đối với hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không thuộc các trường hợp được quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Gây hậu quả nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng;
  • Khi đang làm nhiệm vụ;
  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
  • Lôi kéo người khác tham gia.

(6) Vô ý làm lộ bí mật hoặc làm mất tài liệu bí mật quân sự (Điều 22)

Vô ý làm lộ bí mật hoặc làm mất tài liệu bí mật quân sự, bí mật Nhà nước nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Đã được nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng thực hiện không nghiêm;
  • Trong khu vực có tình hình an ninh chính trị mất ổn định;
  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
  • Đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.

(7) Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự (Điều 27)

Quản lý, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự sai quy định để xảy ra mất an toàn về người, vũ khí, trang bị, phương tiện, tài sản thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
  • Là người có chuyên môn nghiệp vụ về vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự;
  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm.

(8) Vô ý làm mất hoặc làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự (Điều 28)

Vô ý làm mất hoặc làm hư hỏng vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
  • Trong chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu;
  • Không có biện pháp tích cực ngăn chặn;

(9) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại chiến lợi phẩm (Điều 29)

Chiếm đoạt hoặc hủy hoại chiến lợi phẩm nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
  • Gây ảnh hưởng xấu đến đơn vị.

(10) Quấy nhiễu nhân dân (Điều 30)

Khi tiếp xúc với nhân dân mà có hành vi đòi hỏi, yêu sách, quấy nhiễu, gây phiền hà, khó khăn, cản trở sinh hoạt bình thường của nhân dân hoặc xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của nhân dân nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
  • Lôi kéo người khác tham gia;
  • Trong khu vực có chiến sự hoặc tình trạng khẩn cấp;
  • Gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Quân đội.

(11) Chiếm đoạt tài sản (Điều 33)

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng các thủ đoạn khác để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, tổ chức, công dân có giá trị dưới 2.000.000 (hai triệu) đồng thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Lôi kéo người khác tham gia;
  • Làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

(12) Sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 38)

Sử dụng trái phép các chất ma túy thì bị kỷ luật tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc.

(13) Xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm khác (Điều 39)

Ngoài các hành vi vi phạm quy định tại Thông tư 16/2020/TT-BQP, nếu người vi phạm có hành vi vi phạm khác tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
  • Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
  • Biết sẽ gây hậu quả nhưng không có biện pháp ngăn chặn.

(14) Xử lý kỷ luật đối với người vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và áp dụng hình phạt (Điều 40)

Vi phạm pháp luật bị tòa tuyên án phạt tù và phải chấp hành hình phạt tại trại giam.

4. Các trường hợp miễn trách nhiệm kỷ luật đối với quân nhân

Điều 6 Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định về các trường hợp chưa xem xét kỷ luật và miễn trách nhiệm kỷ luật như sau:

  • Trong thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ theo chế độ;
  • Trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ sở quân y hoặc cơ sở y tế;
  • Trong thời gian hưởng chế độ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng;
  • Đang trong thời gian chờ kết quả giải quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.

5. Nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với quân nhân khi vi phạm

Căn cứ tại Điều 4 Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định về nguyên tắc xử lý đối với bất kỳ hình thức kỷ luật như sau:

1. Mọi vi phạm kỷ luật phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh; hậu quả do vi phạm kỷ luật gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

2. Việc xử lý vi phạm kỷ luật được tiến hành nhanh chóng, chính xác, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.

Nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với quân nhân
Nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với quân nhân (Ảnh minh hoạ)

3. Việc xử phạt vi phạm kỷ luật phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

4. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật; không áp dụng các hình thức kỷ luật khác thay cho hình thức kỷ luật được pháp luật quy định.

5. Không áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu quân nhân và buộc thôi việc đối với nữ quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

6. Không áp dụng hình thức kỷ luật giáng cấp bậc quân hàm đối với quân nhân đang giữ cấp bậc quân hàm thiếu úy; không áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang hưởng lương Bậc 1.

7. Khi xử lý kỷ luật, ngoài hình thức kỷ luật đối với từng hành vi vi phạm, nếu vi phạm gây thiệt hại về vật chất, người vi phạm còn phải bồi thường. Tài sản, tiền, vật chất do hành vi vi phạm mà có, phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

8. Mỗi hành vi vi phạm kỷ luật chỉ xử lý một hình thức kỷ luật; nếu cùng một lần vi phạm kỷ luật mà người vi phạm thực hiện nhiều hành vi vi phạm khác nhau thì phải xem xét, kết luận, làm rõ mức độ vi phạm và hình thức kỷ luật đối với từng hành vi vi phạm nhưng chỉ áp dụng hình thức kỷ luật chung cho các hành vi vi phạm và không vượt quá hình thức kỷ luật của hành vi có mức xử lý kỷ luật cao nhất.

Trường hợp xử lý nhiều hình thức kỷ luật (hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm với cách chức hoặc giáng chức) do cấp có thẩm quyền quyết định.

9. Người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên (sau đây gọi chung là người chỉ huy) các cấp phải chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật của quân nhân thuộc quyền; tùy tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả gây ra của vụ việc và mức độ liên quan đến trách nhiệm của người chỉ huy trực tiếp và trên một cấp để xác định hình thức kỷ luật theo quy định tại Thông tư này.

10. Người thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật có dấu hiệu tội phạm, thì cơ quan, đơn vị không giảm quân số quản lý mà chuyển hồ sơ vi phạm sang Cơ quan điều tra trong Quân đội để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị tòa án xét xử và tuyên phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì chỉ giải quyết chế độ, chính sách khi đã có quyết định thi hành án của Tòa án.

Trên đây là toàn bộ thông tin giải đáp thắc mắc về tước quân tịch là gì và các quy định liên quan. Hy vọng bài viết có thể giúp bạn hiểu hơn về môi trường quân đội. Có thể thấy, quy định tước quân tịch được ban hành để răn đe và xử lý nghiêm khắc với những trường hợp phạm pháp của quân nhân.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục