1. Tuân thủ pháp luật là gì?
Tuân thủ pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, theo đó, chủ thể pháp luật kiểm soát và kiềm chế hành vi của mình, nhằm tránh vi phạm vào các quy định bị cấm theo pháp luật hiện hành. Hành vi của chủ thể được thể hiện ở dạng không hành động, dù cho có cơ hội để thực hiện chúng.
2. Tuân thủ pháp luật có đặc điểm gì?
Tuân thủ pháp luật có tính chất thụ động, chủ thể pháp luật nhận thức được hành vi của mình, hiểu được quy định của pháp luật và không thực hiện những hành vi mà pháp luật không cho phép.
Tuân thủ pháp luật là quy định được áp dụng cho mọi chủ thể. Tất cả các công dân trong cùng mối quan hệ với cộng đồng, xã hội hay nhà nước đều phải tuân thủ pháp luật như nhau.
Tuân thủ pháp luật được thể hiện theo hình thức là quy phạm cấm đoán, buộc chủ thể không được thực hiện những hành vi nhất định.
Tuân thủ pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật bắt buộc.
3. Ví dụ về tuân thủ pháp luật
Để hiểu rõ hơn về tuân thủ pháp luật, chúng tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ cụ thể:
- Pháp luật cấm nhân viên môi giới hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, thì tuân thủ pháp luật là việc nhân viên làm việc tại Sở giao dịch hàng hóa không thực hiện các hành động môi giới, mua bán hàng hóa qua phương thức này.
- Pháp luật cấm hút thuốc, uống bia rượu trong trường học, thì tuân thủ pháp luật là giáo viên và học sinh, sinh viên không hút thuốc, không sử dụng chất kích thích khi đến trường.
- Pháp luật cấm hành vi đua xe, tổ chức đua xe trái pháp, thì tuân thủ pháp luật là việc người dân tuân thủ an toàn giao thông, không đua xe, không tham gia tổ chức đua xe trái phép.
4. Các hình thức thực hiện pháp luật khác
Tuân thủ pháp luật chỉ là 1 phần của hình thức thực hiện pháp luật. Những hình thức còn lại bao gồm: thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật.
4.1 Thi hành pháp luật
Thi hành pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật mang tính chủ động, theo đó, chủ thể pháp luật phải thực hiện một hành vi nhất định, tuân theo quy định của pháp luật. Ví dụ như: thực hiện nghĩa vụ quân sự, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế,...
4.2 Sử dụng pháp luật
Sử dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật có tính trao quyền, có nghĩa là quy định của pháp luật về những quyền hạn của chủ thể pháp luật. Ví dụ như quyền đi lại, quyền phát ngôn, quyền du lịch,...
Đối với sử dụng pháp luật, chủ thể pháp luật có quyền hành động hoặc không hành động quyền được pháp luật cho phép, tùy thuộc là sự lựa chọn của chủ thể chứ không bị bắt buộc phải thực hiện.
4.3 Áp dụng pháp luật
Áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật dành cho các cán bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dựa vào những quy định pháp luật để xử lý những vấn đề cụ thể trong trách nhiệm của mình.
5. Các hình thức pháp luật Việt Nam
Ba hình thức pháp luật tại Việt Nam được phân loại như sau:
5.1 Tập quán pháp luật
Tập quán pháp luật là hình thức pháp luật được nhà nước thừa nhận đối với một số tập quán đã được lưu truyền từ ngày xưa đến xã hội hiện đại, phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị và nâng cấp thành những quy tắc ứng xử chung được nhà nước bảo đảm thực hiện.
Tập quán pháp là hình thức pháp luật xuất hiện sớm nhất và được áp dụng phổ biến từ các nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến, đến nhà nước tư sản, đặc biệt là ở các nước có chế độ quân chủ.
Tại Việt Nam, Bộ luật dân sự năm 2015 đã thừa nhận hình thức tập quán. Việc thừa nhận các tập quán này được căn cứ theo Điều 5: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”.
5.2 Tiền lệ pháp luật
Tiền lệ pháp luật là hình thức đã được nhà nước thừa nhận về việc quyết định của cơ quan hành chính hoặc các cơ quan xét xử, nhằm giải quyết, xử lý một sự việc cụ thể, sau đó áp dụng đối với các sự việc tương tự.
Tiền lệ pháp luật được sử dụng nhiều trong các nhà nước chủ nô và sử dụng rộng rãi trong các nhà nước phong kiến. Hiện nay, tiền lệ pháp vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong pháp luật về tư sản, nhất là ở các nước châu Âu như Anh và Mỹ (đặc biệt là đối với dân luật).
Tiền lệ pháp luật được hình thành xuất phát từ hoạt động của cơ quan hành pháp và tư pháp. Vì vậy, hình thức này dễ tạo ra sự tùy ý, không phù hợp với nguyên tắc pháp chế đòi hỏi sự tôn trọng tuyệt đối vào những quy định tối cao của luật pháp.
5.3 Văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó quy định về những phương cách xử sự chung (như quy phạm đối với mọi người), được áp dụng sử dụng nhiều lần trong đời sống xã hội. Văn bản quy phạm pháp luật là một trong những hình thức pháp luật tiến bộ nhất hiện nay.
Mỗi nước khác nhau, với từng điều kiện cụ thể sẽ có những quy định khác nhau về tên gọi và hiệu lực pháp lý của các loại văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng vẫn đảm bảo các loại văn bản pháp luật được thực hiện theo một quy trình thống nhất và chứa đựng những quy định cụ thể đó là các quy phạm pháp luật.
Hệ thống văn bản của pháp luật xã hội chủ nghĩa được xây dựng theo các nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, tôn trọng hiến pháp tối cao và luật pháp, phản ánh đúng bản chất của pháp luật xã hội chủ nghĩa.
6. Giải pháp nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật
Muốn nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Sự chất lượng của hệ thống pháp luật
- Ý thức kiểm soát hành vi của người dân
- Chế tài răn đe, xử phạt đủ mạnh
- Tính hợp lý, chính quy của quá trình tổ chức.
Ngoài ra, các yếu tố về vật chất và tinh thần cũng ảnh hưởng đến khả năng tuân thủ pháp luật. Như việc những người nghèo, đói khổ, hay trong tình trạng thiên tai, lũ lụt thường khó để nghiêm chỉnh tuân thủ được pháp luật.
Để cải thiện chất lượng tuân thủ pháp luật từ phía người dân, cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tạo môi trường để pháp luật đi vào cuộc sống người dân. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu về khoa học pháp lý. Xây dựng chiến lược phát triển pháp luật đi kèm với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
- Các cơ quan thực thi tuân thủ văn bản quy phạm pháp luật một cách nghiêm túc và triệt để, nhằm nâng cao tính hiệu quả của văn bản pháp luật.
- Tăng cường nâng cao nhận thức về pháp luật của người dân thông qua việc chú trọng công tác bồi dưỡng, giáo dục pháp luật, phổ biến, hướng dẫn áp dụng pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật.
- Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, thông qua việc tiến hành công tác phổ biến pháp luật cho nhân dân một cách thường xuyên, kịp thời và có tính thuyết phục.
Trên đây là những thông tin giải đáp cho câu hỏi tuân thủ pháp luật là gì, tuân thủ pháp luật có đặc điểm như thế nào và các ví dụ cụ thể về việc tuân thủ pháp luật.
Hy vọng bạn có thêm kiến thức và biết cách áp dụng vào trong cuộc sống của mình. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.