Tự chế pháo hoa nổ dịp Tết, bị xử lý thế nào?

Tình trạng tự chế pháo hoa nổ đang dần trở nên phổ biến, nhất là thời điểm cận kề ngày Tết, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến cháy nổ, ảnh hưởng tới kinh tế, sức khỉoer, tính mạng của người dân. Vậy, tự chế pháo hoa nổ dịp Tết bị xử lý thế nào?

1. Nghiêm cấm tự chế tạo pháo hoa, pháo nổ trái phép

Tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm:

- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ);

- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

- Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

- Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

- Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo…

Như vậy, việc nghiên cứu, chế tạo pháo hoa trái phép hay chế tạo pháo hoa nổ khi không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chế tạo được xác định là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi tự ý chế tạo pháo nổ trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

tự chế pháo nổ bị xử lý thế nào
Tết đến, tự chế pháo nổ bị xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)

2. Tự chế tạo pháo nổ, bị xử lý thế nào?

2.1 Xử lý hành chính

Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người có hành vi chế tạo pháo hoa, pháo nổ trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:

- Phạt tiền 05-10 triệu đồng đối với các hành vi:

  • Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
  • Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;

- Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với các hành vi:

  • Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép phụ kiện nổ;
  • Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo

2.2 Xử lý hình sự

Tùy theo hành vi phạm tội cụ thể, có thể bị xử lý về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017) hoặc về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017).

Cụ thể:

Về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ:

- Khung 01:

Phạt tù từ 01 - 05 năm: Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.

- Khung 02:

Phạt tù từ 03 - 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

  • Có tổ chức;
  • Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
  • Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;
  • Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
  • Làm chết người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 100 - dưới 500 triệu đồng;
  • Tái phạm nguy hiểm.

- Khung 03:

Phạt tù từ 07 - 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

  • Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;
  • Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;
  • Làm chết 02 người;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% - 200%;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu - dưới 1,5 tỷ đồng.

- Khung 04:

Phạt tù từ 15 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

  • Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;
  • Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;
  • Làm chết 03 người trở lên;
  • Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
  • Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.

Ngoài ra, hành vi chế tạo, sản xuất pháo hoa trái phép có thể bị truy tố về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Theo đó, mức phạt thấp nhất của tội này là phạt tiền từ 100 triệu đồng - 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 - 05 năm. Mức phạt cao nhất là phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.

Trên đây là giải dáp về Tự chế pháo nổ bị xử lý thế nào? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được LuatVietam hỗ trợ cụ thể.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục