Truy xuất nguồn gốc thực phẩm như thế nào?

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là gì? Khi nào cần truy xuất nguồn gốc thực phẩm? Tìm hiểu các nội dung liên quan và cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua bài viết dưới đây.

1. Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là gì?

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là gì?
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là gì? (Ảnh minh hoạ)

Căn cứ theo quy định tại khoản 28 Điều 3 Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12, khái niệm truy xuất nguồn gốc thực phẩm được định nghĩa là việc truy tìm quá trình hình thành và lưu thông của thực phẩm.

2. Khi nào cần truy xuất nguồn gốc thực phẩm?

Căn cứ nội dung Điều 54 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 thì việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được thực hiện đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong một số trường hợp cụ thể như sau:

- Một là, khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Hai là, khi cá nhân, tổ chức phát hiện thực phẩm mà mình sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn.

3. Hướng dẫn truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Hướng dẫn các bước truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Hướng dẫn các bước truy xuất nguồn gốc thực phẩm (Ảnh minh hoạ)

(i) Đối với người tiêu dùng

Cách 1: Truy xuất nguồn gốc sản phẩm với tem QR code

Lưu ý: Cách thức này chỉ được thực hiện đối với các sản phẩm có chứa mã QR

Anh/chị có thể sử điện thoại ra để quét mã QR Code và tham khảo thông tin về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa được hệ thống trả về.

Thông tin trả về bao gồm thông tin chi tiết về thực phẩm, doanh nghiệp sản xuất,...

Cách 2: Truy xuất nguồn gốc sản phẩm với tem mã vạch

Tương tự như mã QR, anh/chị có thể sử điện thoại ra để quét tem mã vạch và tham khảo thông tin về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hóa được hệ thống trả về.

Thông tin trả về bao gồm thông tin chi tiết về thực phẩm, doanh nghiệp sản xuất,...

(ii) Đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn

Khi thực hiện việc truy xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước hoặc tự nguyện thực hiện truy xuất, thì căn cứ khoản 2 Điều 54 Luật An toàn thực phẩm năm 2010, các tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn phải thực hiện các bước như sau:

- Thứ nhất, phải tiến hành xác định, thông báo lô sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

- Thứ hai, phải yêu cầu các đại lý kinh doanh thực phẩm báo cáo về số lượng sản phẩm trong lô sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, còn tồn kho trên thực tế và đang lưu thông trên thị trường.

- Thứ ba, tiến hành tổng hợp, báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kế hoạch thu hồi cũng như biện pháp xử lý.

4. Quy định về hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm

(i) Theo quy định của Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn

Các cơ sở theo diện bắt buộc phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo quy định tại Điều 4 Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT phải thiết lập theo nguyên tắc truy xuất: “một bước trước – một bước sau” nhằm bảo đảm được khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm trong từng công đoạn của quá trình sản xuất cũng như kinh doanh thực phẩm.

Cụ thể, tại Điều 5 Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT có quy định các nội dung chính trong hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm bao gồm:

- Phạm vi áp dụng của hệ thống truy xuất.

- Thủ tục về mã hóa, nhận diện nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh; Trong đó việc mã hóa phải bảo đảm truy xuất được toàn bộ thông tin cần thiết từ các công đoạn sản xuất trước đó.

- Thủ tục quy định về việc ghi chép, nhập số liệu, dữ liệu cũng như lưu trữ hồ sơ sản xuất.

- Thủ tục về việc thẩm tra định kỳ, cập nhật, sửa đổi và bổ sung hệ thống.

- Thủ tục truy xuất nguồn gốc gồm người thực hiện, nội dung, thời điểm triển khai và cách thức.

- Nội dung về phân công trách nhiệm thực hiện.

(ii) Theo quy định của Bộ Y tế

Đối với những sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế, tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư 25/2019/TT-BYT có quy định như sau:

Đối với cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm, Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm bao gồm các thông tin sau:

- Thứ nhất, thông tin về lô sản xuất:

  • Tên sản phẩm, số lô sản xuất, số lượng sản phẩm thuộc lô đã sản xuất;

  • Ngày sản xuất, hạn sử dụng (đối với thực phẩm có quy định bắt buộc ghi hạn sử dụng);

  • Mã nhận diện (nếu có);

  • Nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến: bao gồm tên và các thông tin khác về nguồn gốc (đối với sản phẩm trong nước) và thông tin về xuất xứ hàng hóa (nếu là sản phẩm nhập khẩu);

  • Bao bì, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dùng để bao gói sản phẩm thực phẩm: bao gồm tên và các thông tin về nguồn gốc (đối với sản phẩm trong nước) và thông tin về xuất xứ hàng hóa (nếu là sản phẩm nhập khẩu).

- Thứ hai, số lượng sản phẩm của lô đã sản xuất đã được xuất kho, còn tồn trong các kho của cơ sở sản xuất thực phẩm.

- Thứ ba, danh sách tên, địa chỉ khách hàng, các đại lý phân phối (nếu có), số lượng sản phẩm của lô đã nhập, đã bán và còn tồn trong kho.

Đối với cơ sở kinh doanh sản phẩm thực phẩm, khi xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh sản phẩm thực phẩm phải tổ chức, ghi chép, lưu trữ, bảo đảm sẵn sàng trích xuất và báo cáo các thông tin sau:

- Tên, địa chỉ cơ sở cung cấp sản phẩm thực phẩm cho cơ sở kinh doanh.

- Thông tin về loại sản phẩm thực phẩm, số lượng sản phẩm trong lô đã nhập, đã bán và còn tồn trong kho của cơ sở kinh doanh.

- Danh sách tên và địa chỉ khách hàng, các đại lý phân phối sản phẩm thực phẩm (nếu có), số lượng sản phẩm trong lô sản xuất đã được nhập/bán và còn tồn kho.

Trên đây là thông tin về việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục