Trưởng thôn có được tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở không?
Đầu tiên có thể khẳng định rằng, Trưởng thôn, Trưởng bản vẫn có thể tham gia lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, số 30/2023/QH15 quy định nêu rõ:
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của Luật này".
Như vậy, có thể thấy quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không cấm người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoạt động hay đang tham gia trong các lực lượng, tổ chức khác tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo đó, trưởng thôn nếu đáp ứng điều kiện tuyển chọn quy định tại Điều 13 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng có thể tham gia vào lực lượng này. Cụ thể như sau:
Là công dân Việt Nam, có nguyện vọng tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Độ tuổi: Từ đủ 18 - 70 tuổi. Nếu trên 70 tuổi mà đảm bảo sức khỏe thì sẽ được xem xét, quyết định theo đề nghị của công an cấp xã.
Lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không đang chấp án án hình sự, bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Bằng cấp: Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên hoặc đã học xong chương trình giáo dục tiểu học nếu ở biên giới, hải đảo, miền núi…
Đang thường trú/tạm trú từ 01 năm trở lên, thường xuyên sinh sống tại nơi nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Có đủ sức khỏe (được cơ sở khám, chữa bệnh chứng nhận).
Tuy nhiên căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP việc kiêm nhiệm thêm chức danh khác như Trưởng thôn phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Cụ thể, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định các nội dung cụ thể, căn cứ vào:
- Quỹ phụ cấp được ngân sách trung ương khoán cho mỗi cấp xã, mỗi thôn, tổ dân phố;
- Nguồn kinh phí ngân sách chi cho cải cách chính sách tiền lương của địa phương;
- Các quy định của pháp luật có liên quan và đặc thù của từng cấp xã, từng thôn, tổ dân phố.
Trong các nội dung đó, bao gồm việc kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố.
Phụ cấp của người vừa làm trưởng thôn vừa làm trật tự thôn thế nào?
Người vừa làm trưởng thôn vừa nằm trong hàng ngũ trật tự thôn sẽ được hưởng phụ cấp của hai công việc này.
* Đối với phụ cấp trưởng thôn
Theo khoản 3 Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP căn cứ vào quỹ phụ cấp được ngân sách Trung ương khoán cho mỗi cấp xã, mỗi thôn, tổ dân phố quy Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định:
- Mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố bảo đảm tương quan hợp lý với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo nhằm khuyến khích người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
- Mức khoán cụ thể kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã;
- Mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Hiện nay, theo khoản 6 Điều 33 Nghị định 33, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 chức danh (bao gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận). 03 chức danh này sẽ được hưởng phụ cấp hàng tháng.
Ngân sách Trung ương khoán quỹ phụ cấp để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố như sau:
STT | Quy mô, đặc điểm đơn vị hành chính | Hệ số khoán | Qũy phụ cấp từ 01/7/2024 |
1 | - Thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; - Tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; - Thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; - Thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới, hải đảo - Thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã. | 6,0 lần mức lương cơ sở | 14.040.000 đồng/tháng |
2 | Thôn, tổ dân phố không thuộc quy định tại (1) | 4,5 lần mức lương cơ sở | 10.530.000 đồng/tháng |
Tuy nhiên, mức phụ cấp nêu trên đối với tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn không phải là giống nhau giữa các tỉnh, thành.
Bởi thực tế mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được UBND cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định căn cứ vào quỹ phụ cấp và đặc thù của từng cấp xã, yêu cầu quản lý, tỷ lệ chi thường xuyên của cấp xã và nguồn thu ngân sách của địa phương.
Như vậy, người làm trưởng thôn sẽ được hưởng mức phụ cấp theo quy định của địa phương.
* Đối với phụ cấp trật tự thôn
Theo Điều 23 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 số 30/2023/QH15 thì:
Người tham gia lực lượng này sẽ được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Có thể thấy, mức hỗ trợ đối với thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự là không giống nhau giữa các tỉnh, thành.
>>> Xem chi tiết: Mức hỗ trợ thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên cả nước