Từ 01/7/2024, trường hợp nào bắt buộc phải ra ngân hàng khi chuyển khoản trên 10 triệu đồng?

Ngày 01/7/2024, sau khi thực hiện xác thực sinh trắc học, người dân hoàn toàn có thể thực hiện chuyển các giao dịch trên 10 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng như bình thường. Tuy nhiên, vẫn có 04 trường hợp bắt buộc phải ra ngân hàng khi chuyển khoản trên 10 triệu đồng mà người dân cần lưu ý.

1. 4 trường hợp bắt buộc phải ra ngân hàng khi chuyển khoản trên 10 triệu đồng

1 số trường hợp phải ra ngân hàng khi chuyển khoản trên 10 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Từ ngày 1/7/2024, người dân vẫn buộc phải ra quầy giao dịch tại ngân hàng để thực hiện chuyển tiền (đặc biệt là chuyển trên 10 triệu đồng) trong các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Khách hàng chưa cập nhật sinh trắc học trên app ngân hàng hoặc chưa được xác thực được do lỗi kỹ thuật từ hệ thống.

Trường hợp 2: Khách hàng vẫn đang sử dụng Chứng minh nhân dân (CMND)/Căn cước công dân (CCCD) cũ mà chưa chuyển sang làm thẻ CCCD gắn chip mới.

Trường hợp 3: Dữ liệu sinh trắc học không còn khớp do khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ/bị tai nạn ảnh hưởng tới nhận dạng khuôn mặt từ sau 01/7/2024.

Dù trước đó đã xác thực sinh trắc học thành công thì sau khi chỉnh sửa khuôn mặt, khách hàng cũng sẽ không thể xác thực khuôn mặt để chuyển khoản do dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt không còn khớp với dữ liệu trong CCCD gắn chip.

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, khi chuyển khoản, dữ liệu sinh trắc học khuôn mặt mà các ngân hàng thu thập buộc phải trùng khớp đúng với:

  • Dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ CCCD do chính cơ quan Công an cấp.

  • Dữ liệu được lưu trong tài khoản định danh điện tử VNeID.

  • Dữ liệu được lưu trong hệ thống dữ liệu sinh trắc học đã được kiểm tra, đối chiếu với thẻ CCCD gắn chip hoặc ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Trường hợp 4: Đã xác thực sinh trắc học thành công nhưng cơ sở dữ liệu hệ thống ngân hàng bị nghẽn.

Trong thời gian đầu triển khai Quyết định 2345, việc chưa thể xác thực sinh trắc khuôn mặt đã khiến nhiều người gặp không ít phiền toái trong thanh toán, giao dịch.

Trường hợp này, người dân hoàn toàn có thể ra trực tiếp ngân hàng để chuyển khoản, đồng thời nhờ nhân viên ngân hàng hỗ trợ xác thực sinh trắc khuôn mặt để thuận tiện hơn cho các giao dịch sau này.

2. Các cấp độ xác thực trong giao dịch chuyển khoản từ 01/7/2024

Theo quy định tại Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, từ 01/7/2024, có 04 cấp độ giao dịch chuyển khoản bao gồm:

Cấp A, cấp B: cấp thấp nhất, không yêu cầu phải xác thực sinh trắc học. Trong đó:

- Cấp A gồm: Các giao dịch tra cứu thông tin, chuyển khoản trong cùng ngân hàng, cùng chủ tài khoản hoặc thanh toán ít hơn 05 triệu đồng.

Đối với cấp này, khách hàng chỉ cần xác thực bằng mã OTP là có thể chuyển khoản như bình thường.

- Cấp B gồm: Dưới 10 triệu đồng/lần và dưới 20 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, xác thực cấp độ này cũng áp dụng đối với các giao dịch thanh toán có giá trị 05 - 100 triệu đồng/lần hoặc 1 ngày.

Đối với cấp B, khách hàng xác thực bằng các hình thức như mã OTP, nhận dạng sinh trắc học bằng thiết bị cầm tay hoặc chữ ký điện tử.

Lưu ý: Nhận dạng sinh trắc học gấn với thiết bị cầm tay khác với nhận dạng sinh trắc học đã đăng ký tại cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công an cung cấp.

Cấp C, cấp D: Buộc phải xác thực sinh trắc học. Trong đó:

Cấp C: Chuyển tiền một lần từ 10 - 500 triệu đồng. Cấp độ C chỉ yêu cầu khách hàng xác thực sinh trắc học khớp với các nguồn dữ liệu đã định danh là có thể chuyển khoản.

Cấp D: Chuyển khoản một lần trên 500 triệu đồng hoặc nạp ví điện tử trên 1,5 tỷ đồng, chuyển tiền ra nước ngoài hơn 200 triệu/lần hoặc hơn 1 tỷ đồng/ngày cũng phải xác thực cấp D - cấp độ cao nhất.

Đối với cấp độ này yêu cầu phải kết hợp sinh trắc học kèm với một biện pháp khác như OTP cấp độ cao, FIDO (Fast IDentity Online) không dùng mật khẩu mà dùng kết hợp thiết bị phần cứng và phần mềm hoặc chữ ký điện tử an toàn.

Trường hợp bắt buộc phải xác thực sinh trắc học từ 01/7/2024 (Ảnh minh họa)

3. Trường hợp nào bắt buộc phải xác thực sinh trắc học từ 01/7/2024?

Như phân tích ở mục 2, kể từ 01/7/2024, người dân buộc phải xác thực sinh trắc học khi:

- Chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần bao gồm tất cả các hình thức: chuyển tiền cùng ngân hàng nhưng khác chủ tài khoản, chuyển khoản liên ngân hàng trong nước, nạp ví điện tử.

- Chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng giao dịch trong ngày chạm mốc 20 triệu thì tới lần chuyển tiếp theo trong ngày phải xác thực khuôn mặt, vân tay, dù giao dịch đó chỉ vài nghìn đồng.

(Ví dụ: Ngày 9/7/2024, chị A chuyển khoản lần 1 là 06 triệu đồng, lần 2 là 10 triệu đồng, lần 3 là 04 triệu đồng thì giao dịch tiếp theo trong ngày, chị A vẫn phải xác thực khuôn mặt dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển khoản vài nghìn đồng).

- Giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài.

- Giao dịch thanh toán hóa đơn tiện ích với tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng/ngày.

- Lần đầu kích hoạt dịch vụ ngân hàng số.

- Đổi thiết bị sử dụng ngân hàng số cũng buộc phải xác thực sinh trắc học.

4. Trường hợp nào chuyển khoản không cần xác thực sinh trắc học?

Mặc dù tất cả người dân đều nên thực hiện xác thực sinh trắc học để thuận tiện cho việc giao dịch sau này, tuy nhiên cũng không phải tất cả các giao dịch trực tuyến đều thuộc diện buộc phải xác thực bằng sinh trắc học, bao gồm:

- Chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng

- Các giao dịch dưới 10 triệu đồng phục vụ nhu cầu thiết yếu cơ bản hoặc tổng giá trị giao dịch dưới 20 triệu đồng/ngày (thanh toán tiền điện, nước, học phí…)

Như vậy, với các giao dịch trên người dân vẫn thực hiện trên ứng dụng ngân hàng như bình thường mà không cần xác thực sinh học.

Hiện nay, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đối với các giao dịch hàng ngày, thông thường các khách hàng cá nhân tại Việt Nam đều giao dịch dưới 10 triệu đồng, các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm trong khoảng 11% tổng giao dịch, còn trên 20 triệu đồng/ngày chỉ chiếm chưa tới 1%.

Do vậy, việc xác thực sinh trắc học cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới giao dịch thanh toán hàng ngày của người dùng.

Trường hợp chưa thể xác thực sinh trắc mà có giao dịch gấp trên 10 triệu đồng/lần, người dân có thể ra trực tiếp quầy giao dịch ngân hàng để thực hiện việc chuyển khoản.

Trên đây là cập nhật của LuatVietnam về các trường hợp bắt buộc phải ra ngân hàng khi chuyển khoản trên 10 triệu đồng mà người dân cần lưu ý.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Thành viên giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần lưu ý gì?

Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Vậy, thành viên giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần lưu ý gì?

Lừa đảo lấy lại tiền lừa đảo: Chiêu trò mới cần cảnh giác

Trên nhiều video hoặc bài viết cảnh báo lừa đảo của LuatVietnam.vn hoặc các trang web, mạng xã hội hàng loạt bình luận cam kết nhận lấy lại tiền đã bị lừa đảo. Tuy nhiên, đây cũng là một “núp bóng” của hành vi lừa đảo. Cùng xem thực hư tại bài viết dưới đây.