Trò chơi điện tử là gì? Phân loại trò chơi điện tử trên mạng

Trò chơi điện tử mang lại giá trị giải trí rất lớn cho người chơi. Vậy theo quy định của pháp luật, trò chơi điện tử là gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Trò chơi điện tử là gì?  

Trò chơi điện tử là một trò chơi sử dụng các thiết bị điện tử như màn hình, tay cầm điều khiển, loa,... để tạo ra một hệ thống tương tác và kết nối với nhau để người dùng trải nghiệm.

Trò chơi điện tử đã có những phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, phổ biến nhất là thể loại trò chơi video. Trò chơi video hiện nay không chỉ gói gọn trong màn hình máy vi tính hay máy chơi game cầm tay, mà chúng còn phát triển mạnh mẽ trên các nền tảng Android và IOS.

Tại Sea Games 32 được tổ chức tại Campuchia vừa qua, có tới 5 bộ môn liên quan tới trò chơi điện tử được đưa vào thi đấu tranh huy chương. Trong đó, có tới 3 trò chơi video: PUBG Mobile, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến, Mobile Legends là thi đấu trực tiếp trên smartphone.

lien-minh-huyen-thoai-toc-chien
Đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến của Việt Nam 
(Ảnh minh họa)

2. Phân loại trò chơi điện tử theo quy định của Chính phủ 

Trò chơi điện tử tđược phân loại theo quy định của Chính phủ.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 31 Nghị định 72/2013/NĐ-CP,  trò chơi điện tử được phân loại làm hai mục chính:

  • Phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ

  • Phân loại theo độ tuổi

 2.1. Phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ

  • Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1)

Trò chơi G1 có sự kết nối giữa nhiều người chơi với nhau. Khi chơi, người chơi có thể nói chuyện, nhắn tin và tương tác với bạn bè. Trò chơi G1 mang tính tập thể cao đòi hỏi người chơi phải phối hợp tốt cùng người chơi khác.

Liên Minh Huyền Thoại chính là một ví dụ điển hình của loại trò chơi điện tử G1.

lien-minh-huyen-thoai
Đồ họa đẹp mắt, lối chơi đa dạng của Liên Minh Huyền Thoại (Ảnh minh họa)
  • Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G2)

Trò chơi G2 sẽ không có sự tương tác giữa những người chơi với nhau mà sẽ chỉ có người chơi kết nối với chính máy chủ. Những trò chơi này được hiểu là có kết nối internet nhưng gần như nó cũng không cần thiết trong việc trải nghiệm trò chơi.

Một ví dụ cho trò chơi G2 đó chính là Temple Run, một tựa game rất quen thuộc đối với người sử dụng smartphone đời đầu. Trong trò chơi, người chơi đóng vai một nhân vật 3D phải vượt qua những chướng ngại vật nguy hiểm để thoát khỏi con thú dữ đang đuổi theo sau.

temple-run-
Nhân vật 3D trong Temple Run chạy thoát khỏi thú dữ
(Ảnh minh họa)
  • Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G3)

Trò chơi G3 xuất hiện nhiều khi chơi cùng với các bộ máy chơi game như Playstation 3, 4 hay Xbox 360. Những trò chơi này không có kết nối internet nhưng có thể chơi cùng bạn bè, người thân. Hệ máy Playstation 3 cho phép tối đa có 4 người chơi cùng lúc với 4 tay cầm chơi game khác nhau được cắm trực tiếp vào ổ.

Điển hình nhóm trò chơi G3 là PES 2013, một trò chơi điện tử thuộc thể loại bóng đá. PES 2013 có thể cho hai người chơi cùng một lúc, mỗi thành viên sẽ chọn một đội bóng mình yêu thích và đối đầu với nhau tạo nên những trận cầu đầy cảm xúc.

pes-2013
PES 2013 phát hành bởi KONAMI
(Ảnh minh họa)

Trò chơi không cần kết nối internet, nhưng vẫn mang lại những giờ phút đáng nhớ cùng bạn bè, người thân nhờ tính năng tương tác giữa người chơi.

Nhưng hiện nay, nhóm game G3 này không còn thịnh hành nữa vì thói quen kết nối xã hội, cộng đồng của người chơi.

  • Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G4)

Trò chơi G4 là những nhóm trò chơi được tải trên internet về chơi offline mà không cần sự tương tác của người chơi khác hay máy chủ doanh nghiệp. Những game này thường mang mục đích đó là giết thời gian, giải trí nhẹ nhàng cho người chơi.

Có rất nhiều game thuộc G4 như cờ vua, cờ tướng, đánh bài,... Tất cả chúng đều được lập trình sẵn để người chơi trải nghiệm. Dòng game này gần như đã biến mất hoàn toàn trên thị trường ngành trò chơi điện tử hiện nay vì chúng quá lỗi thời, kém thu hút.

co-tuong
Game cờ tướng (Ảnh minh họa)

2.2.  Phân loại theo độ tuổi 

  • Trò chơi điện tử dành cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên, ký hiệu là 18+) là trò chơi có hoạt động đối kháng có sử dụng vũ khí; không có hoạt động, âm thanh, hình ảnh khiêu dâm.

Những trò chơi này thường mang tính bạo lực, kinh dị cao đòi hỏi người chơi phải từ 18 tuổi trở lên mới được chơi những tựa game này. Ví dụ như trò chơi CS GO, thuộc thể loại bắn súng góc nhìn thứ nhất.

cs-go
Hình ảnh bắn súng góc nhìn thứ nhất trong CS GO (Ảnh minh họa)
  • Trò chơi điện tử dành cho thiếu niên (từ 12 tuổi trở lên, ký hiệu là 12+) là trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu có sử dụng vũ khí nhưng hình ảnh vũ khí không nhìn được cận cảnh, rõ ràng; tiết chế âm thanh va chạm của vũ khí khi chiến đấu; không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.

Những tựa game này vẫn có thể chứa bạo lực, hành động nhưng mức hiển thị của chúng thấp hơn thể loại trò chơi 18+ rất nhiều. Điển hình là tựa game Gunny nổi tiếng một thời trên Zing Me và là tuổi thơ của thế hệ 9x.

gunny
Gunny  (Ảnh minh họa)

Gunny cho phép ta bước vào một thế giới hoạt hình mà ở đó, các chiến binh sẽ phải dùng những loại vũ khí mình có để hạ những con quái vật to lớn. Mặc dù có nhiều cảnh bạo lực, nhưng chúng lại được các nhà làm game thể hiện theo một cách rất đáng yêu, thân thiện. Chính vì lý do đó, Gunny chỉ được xếp vào hạng 12+, dành cho thiếu niên.

  • Trò chơi điện tử dành cho mọi lứa tuổi (ký hiệu là 00+) là những trò chơi mô phỏng dạng hoạt hình; không có hoạt động đối kháng bằng vũ khí; không có hình ảnh, âm thanh ma quái, kinh dị, bạo lực; không có hoạt động, âm thanh, hình ảnh nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.

Trò chơi này có thể chơi ở bất kỳ lứa tuổi nào, thường sẽ được xây dựng bằng những hình ảnh hoạt hình thân thiện với trẻ em. Tuyệt đối không chứa các cảnh bạo lực gây ảnh hưởng xấu tới trẻ em. Ví dụ như tựa game nấu ăn, thời trang cho trẻ nhỏ,...

game-nau-an
Trò chơi nấu ăn cho trẻ em (Ảnh minh họa)

3. Điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử 

Ở nội dung trên, bạn đã hiểu về khái niệm trò chơi điện tử là gì và các loại trò chơi điện tử. Vậy điều kiện để được cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử được quy định như thế nào?

3.1. Đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi G1

Tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 72/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm a khoản 18 Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP có quy định doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 khi có đủ các điều kiện sau đây:

-  Là doanh nghiệp được thành lập đúng quy định, có đăng ký ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng;

- Đã đăng ký tên miền sử dụng để cung cấp dịch vụ;

- Có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức, nhân sự phù hợp với quy mô hoạt động;

- Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.

3.2. Đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi G2, G3, G4

Tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 72/2013/NĐ-CP được bổ sung, sửa đổi ở Điều 33 Nghị định 27/2018/NĐ-CP có quy định về việc cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 như sau:

- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định, có đăng ký ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng;

- Doanh nghiệp có trụ sở chính với địa chỉ và số điện thoại liên hệ rõ ràng;

- Đã đăng ký tên miền sử dụng để cung cấp dịch vụ trong trường hợp cung cấp dịch vụ trên Internet;

- Có đội ngũ nhân sự quản trị trò chơi điện tử phù hợp quy mô hoạt động và loại hình cung cấp dịch vụ.

- Có đủ khả năng tài chính, kỹ thuật, tổ chức, nhân sự để cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phù hợp với quy mô hoạt động;

- Có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin.

Như vậy, để một trò chơi điện tử ra mắt thị trường, nhà sáng tạo trò chơi phải đáp ứng rất nhiều điều kiện theo quy định của pháp luật.

Trò chơi điện tử ngày càng gây được tiếng nói trong xã hội trong thời đại ngày nay. Hi vọng sau bài viết này, các bạn đã hình dung ra được trò chơi điện tử là gì và các những loại trò chơi điện tử nào để có được sự lựa chọn phù hợp khi chơi. Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục