“Trình dược viên” là cụm từ quen thuộc trong lĩnh vực dược phẩm. Vậy trình dược viên là gì? Tiêu chuẩn đối với trình dược viên là gì? Cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết này nhé!
- 1. Trình dược viên là gì?
- 2. Tiêu chuẩn để trở thành trình dược viên
- 3. Trách nhiệm của trình dược viên theo quy định
- 3.1. Phải đeo thẻ “Người giới thiệu thuốc” được cơ sở kinh doanh dược cấp
- 3.2. Giới thiệu thuốc được phép lưu hành tại Việt Nam
- 3.3. Đảm bảo thông tin thuốc hợp pháp
- 3.4. Báo cáo các phản ứng có hại, chất lượng thuốc
- 3.5. Không có các hành vi gian lận trong quá trình giới thiệu thuốc
1. Trình dược viên là gì?
Trình dược viên là người giới thiệu thuốc, là người giới thiệu thuốc mới đến các quầy thuốc, bệnh viện. Đồng thời, trình dược viên cũng là người thông tin đến bác sỹ, dược sỹ về cách dùng, tác dụng của từng loại thuốc.
Khái niệm trình dược viên được quy định trong văn bản pháp luật với tên “người giới thiệu thuốc”. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 21 Thông tư 07/2018/TT-BYT:
Người giới thiệu thuốc là người được cơ sở kinh doanh dược tuyển dụng và được người đứng đầu của chính cơ sở cấp thẻ “Người giới thiệu thuốc” để thông tin thuốc cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh"
Trong khái niệm trên nêu rõ 03 đặc điểm cần có của trình dược viên:
Người làm việc trong các cơ sở kinh doanh dược.
Được cấp thẻ “ Người giới thiệu thuốc”.
Cung cấp thông tin, tác dụng của thuốc đến người khám, chữa bệnh.
2. Tiêu chuẩn để trở thành trình dược viên
Khoản 2, khoản 3 Điều 21 của Thông tư 07/2018/TT-BYT đã đưa ra các điều kiện cụ thể để trở thành người giới thiệu thuốc hợp pháp như sau:
- Là người có chuyên môn về ngành y, dược có trình độ từ cao đẳng trở lên
- Được cơ sở kinh doanh dược tuyển dụng và huấn luyện, đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến hoạt động giới thiệu thuốc và văn bản quy phạm pháp luật về dược.
Như vậy, ngoài việc phải có trình độ chuyên môn ngành y dược, trình dược viên phải là nhân sự thuộc cơ sở kinh doanh dược. .
- Không thuộc các trường hợp sau:
Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang trong thời gian thi hành án.
Người đang bị cấm hành nghề.
Người bị cấm làm công việc liên quan đến các hoạt động ngành dược.
Người bị hạn chế các hành vi dân sự.
Để trở thành trình dược viên hoạt động hiệu quả, người thực hiện nên trang bị thêm những kỹ năng mềm khác như: Kỹ năng giao tiếp, tạo dựng và duy trì mối quan hệ.
Kỹ năng thuyết trình và đàm phán.
Khả năng phán đoán và xử lý tình huống.
3. Trách nhiệm của trình dược viên theo quy định
Tại Điều 22 Thông tư 07/2018/TT-BYT quy định trình dược viên có trách nhiệm như sau:
3.1. Phải đeo thẻ “Người giới thiệu thuốc” được cơ sở kinh doanh dược cấp
Trình dược viên chỉ thực hiện giới thiệu thuốc khi có sự đồng ý của người khám bệnh, chữa bệnh. Trong quá trình làm việc, trình dược viên phải thực hiện đúng nội quy tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Khi thực hiện việc giới thiệu thuốc, trình dược viên và cơ sở kinh doanh dược cần cụ thể về thành phần, địa điểm, thời gian tổ chức, thông tin thuốc cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
3.2. Giới thiệu thuốc được phép lưu hành tại Việt Nam
Trình dược viên chỉ được giới thiệu các loại thuốc được phép lưu hành ở Việt Nam. Thuốc đã được đăng ký lưu hành. Thông tin thuốc phải được cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ y tế xác nhận. Thuốc bao gồm đầy đủ tên, nhãn dán, tờ hướng dẫn sử dụng.
Người giới thiệu chỉ đưa ra những thuốc được cơ sở kinh doanh dược phân công. Các sản phẩm không phải là thuốc không được đưa ra tại các cơ sở trình dược viên đến làm việc.
Danh mục thuốc được phép bán lẻ và hạn chế bán lẻ được quy định rõ tại Điều 18, Điều 19, Điều 20, Phụ lục II, Phụ lục III của Thông tư 07/2018/TT-BYT.
3.3. Đảm bảo thông tin thuốc hợp pháp
Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh yêu cầu trình dược viên cung cấp thông tin về thuốc. Trình dược viên cần đưa ra đầy đủ pháp lý chứng minh nội dung thông tin về thuốc là đúng.
Ngoài ra, không được giới thiệu thuốc khác với thông tin đã đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trình dược viên không được giới thiệu, cung cấp thông tin thuốc không phù hợp với tài liệu.
Các tài liệu thông tin thuốc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận không được đưa đến các cơ sở khám, chữa bệnh.
3.4. Báo cáo các phản ứng có hại, chất lượng thuốc
Trình dược viên giới thiệu thuốc đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra còn thu thập các tác dụng không mong muốn của thuốc trên người sử dụng. Các phản ứng có hại của thuốc, chất lượng thuốc trong quá trình sử dụng được cơ sở kinh doanh dược tổng hợp, báo cáo về cơ quan thẩm quyền của Bộ y tế.
Các tài liệu báo cáo cần tuân thủ theo “Hướng dẫn quốc gia về cảnh giác dược” do Bộ Y tế ban hành ngày 11/01/2021.
3.5. Không có các hành vi gian lận trong quá trình giới thiệu thuốc
Trong quá trình hành nghề, sử dụng vật chất để tác động đến người khám bệnh, chữa bệnh để tăng lượng mua bán thuốc là trái quy định pháp luật. Đồng thời, việc mua bán, ký gửi thuốc là sai.
Trình dược viên tiếp xúc trực tiếp với các cơ sở khám chữa bệnh nhưng không được tiếp xúc với người bệnh. Vì vậy, người giới thiệu thuốc không được phép tiếp cận người bệnh, hồ sơ bệnh án, đơn thuốc, thảo luận hoặc cung cấp thông tin liên liên quan đến người bệnh.
Không so sánh thuốc của mình với thuốc của các cơ sở kinh doanh khác khi chưa có bằng chứng pháp lý của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4. Kết luận:
Trình dược viên có vai trò quan trọng trong việc đưa thuốc đến với tay người tiêu dùng. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã hiểu trình dược viên là gì và các tiêu chuẩn đối với trình dược viên.