1. Bệnh lao phổi là gì?
Theo Quyết định số 1314/QĐ-BYT ngày 24/03/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng lao thì:
“Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80-90% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh”.
2. Triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu
Người nghi lao phổi khi có các triệu chứng được quy định tại mục 1.1, Hướng dẫn Chẩn đoán điều trị và dự phòng bệnh lao theo Quyết định số 1314/QĐ-BYT ngày 24/03/2020 của Bộ Y tế như sau:
“Người nghi lao phổi khi có các triệu chứng sau:
- Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Thời gian ho ban đầu thường nhẹ nhưng kéo dài và ngày càng nặng. Đây được coi là những dấu hiệu đặc trưng nhất đối với người mắc bệnh lao phổi;
Ngoài ra có thể:
- Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi.
- Sốt nhẹ về chiều.
- Ra mồ hôi “trộm” ban đêm.
- Đau ngực, đôi khi khó thở.”
Có thể thấy, Triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu không quá rõ rệt. Chỉ đến khi người bệnh thấy có các biểu hiện như ho kéo dài, ho máu, ho ra đờm, gầy sút, kém ăn…mới nghi mắc bệnh. Vì vậy, người bệnh khi thấy có dấu hiệu ho kéo dài không đỡ cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh.
3. Người có nguy cơ cao mắc bệnh lao phổi
Bệnh lao phổi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp. Vì vậy nguy cơ mắc bệnh lao phổi là rất cao đặc biệt là một số nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh lao phổi sau:
Tại mục 1.2 của Hướng dẫn Chẩn đoán điều trị và dự phòng bệnh lao theo Quyết định số 1314/QĐ-BYT ngày 24/03/2020 của Bộ Y tế đã chỉ rõ “Nhóm nguy cơ cao cần chú ý
- Người nhiễm HIV
- Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây bệnh, đặc biệt là trẻ em.
- Người mắc các bệnh mạn tính: loét dạ dày - tá tràng, đái tháo đường, suy thận mạn,...
- Người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá, thuốc lào.
- Người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoid, hóa chất điều trị ung thư,…”
4. Chẩn đoán bệnh lao phổi
Chẩn đoán bệnh lao phổi được quy định chi tiết tại mục 2 của Hướng dẫn Chẩn đoán điều trị và dự phòng bệnh lao theo Quyết định số 1314/QĐ-BYT ngày 24/03/2020 của Bộ Y tế, cụ thể như sau:
Dựa vào lâm sàng
- Toàn thân: cơ thể người bệnh có biểu hiện sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân.
- Cơ năng: Bệnh nhân ho ngày càng nhiều, khạc đờm, ho ra máu, đau ngực, khó thở.
- Thực thể: Khi bác sĩ tiến hành nghe phổi có thể có tiếng bệnh lý (ran ẩm, ran nổ,....).
Dựa vào cận lâm sàng
- Nhuộm soi đờm trực tiếp tìm AFB: khi có nghi ngờ mắc lao phổi người bệnh sẽ được chỉ định xét nghiệm đờm để phát hiện bệnh. Phương pháp áp dụng là tiến hành xét nghiệm 02 mẫu đờm tại chỗ. Người bệnh sẽ có được kết quả ngay trong ngày thay cho phương pháp lấy 03 mẫu đờm như trước đây. Cách lấy đờm cần theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế và mỗi lần lấy xét nghiệm cách 02 giờ.
- Xét nghiệm Xpert MTB/RIF: là một trong các phương pháp để chẩn đoán bệnh lao và các xét nghiệm AFB (+) thì phải làm xét nghiệm để xác định tình trạng kháng thuốc Rifampicin trước khi cho phác đồ thuốc chống lao hàng 1.
- Nuôi cấy tìm vi khuẩn lao: nuôi cấy trên môi trường đặc thường cho kết quả dương tính sau 3-4 tuần. Nuôi cấy trong môi trường lỏng (MGIT - BACTEC) cho kết quả dương tính sau 2 tuần. Các trường hợp phát hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh nên được khuyến khích xét nghiệm nuôi cấy khi có điều kiện.
- Xquang phổi thường quy: Đây là phương pháp để xác định bệnh đã tiến triển đến mức độ nào có thể 1 bên hoặc 2 bên. Đối với các bệnh nhân lao phổi AFB(+) thì có thể đánh giá trên 90% kết quả.
Chẩn đoán xác định
Khi trên X-quang có tổn thương phổi nghi mắc lao và có thêm 1 trong 2 tiêu chuẩn sau:
- Trong các mẫu bệnh phẩm có chứa vi khuẩn lao.
- Khi không xác định được vi khuẩn lao trong các kết quả nhưng người bệnh có các dấu hiệu của bệnh. Bác sĩ có thể dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng để đưa ra tư vấn cho bệnh nhân.
Phân loại chẩn đoán dựa theo xét nghiệm soi đờm trực tiếp tìm AFB
- Lao phổi AFB(+): có ít nhất 1 mẫu đờm hoặc dịch phế quản, dịch dạ dày có kết quả soi trực tiếp AFB(+) tại các phòng xét nghiệm được kiểm chuẩn bởi Chương trình chống lao Quốc gia.
- Lao phổi AFB(-): khi có ít nhất 2 mẫu đờm AFB(-), người bệnh cần được thực hiện quy trình chẩn đoán lao phổi AFB(-). Người bệnh được chẩn đoán lao phổi AFB(-) cần thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện sau:
+ Trong các mẫu bệnh phẩm: đờm, dịch phế quản, dịch dạ dày có chứa vi khuẩn lao. Xác định Lao phổi AFB(-) cần sử dụng phương pháp nuôi cấy tìm vi khuẩn lao hoặc xét nghiệm Xpert MTB/RIF.
+ Bệnh nhân được bác sĩ đưa ra hướng điều trị dựa vào các kết quả sau khi tiến hành khám và phân tích các xét nghiệm.
Lao kê: là một trong các thể lao phổi.
“Là thể lao lan tỏa toàn thân, biểu hiện rõ nhất ở phổi, có thể có tổn thương màng não, gan, tủy xương hay nhiều bộ phận quan trọng khác. Hay xảy ra ở trẻ em, người nhiễm HIV hay bị suy giảm miễn dịch”.
Người bệnh được chẩn đoán bệnh dựa trên các phương pháp sau:
- Lâm sàng: Người bệnh có các dấu hiệu cơ năng rõ rệt hơn và thực thể tại phổi bị suy giảm rất nhiều
- Chẩn đoán xác định:
+ Dựa vào lâm sàng: Bệnh nhân có các dấu hiệu đặc trưng của người mắc bệnh lao phổi: ho nhiều, sốt cao, khó thở, có thể tím tái.
+ X-quang phổi có nhiều nốt mờ, kích thước đều, đậm độ đều và phân bố khắp 2 phổi (3 đều: kích thước, mật độ và đậm độ cản quang các hạt kê trên phim X-quang phổi).
+ Xét nghiệm đờm thường âm tính.
+ Ngoài ra xét nghiệm vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm (dịch phế quản, dịch não tủy, máu) có thể dương tính.
Chẩn đoán phân biệt
Phân biệt bệnh nhân mắc các bệnh: Giãn phế quản, ung thư phổi, viêm phổi, áp xe phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh phổi ký sinh trùng. Cần tiến hành sàng lọc lao phổi.
Ở người có HIV cần phân biệt với viêm phổi, nhất là viêm phổi do Pneumocystis jiroveci hay còn gọi là Pneumocystis carinii (PCP).
Điều trị bệnh lao phổi lao theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Cần thực hiện nghiêm túc 04 nguyên tắc sau đây trong điều trị Lao phổi theo đúng Hướng dẫn Chẩn đoán điều trị và dự phòng bệnh lao theo Quyết định số 1314/QĐ-BYT ngày 24/03/2020 của Bộ Y tế:
- Phối hợp các thuốc chống lao:
+ Mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau trên vi khuẩn lao (diệt khuẩn, kìm khuẩn, môi trường vi khuẩn), do vậy phải phối hợp các thuốc chống lao.
+ Với bệnh lao còn nhạy cảm với thuốc: phối hợp ít nhất 3 loại thuốc chống lao trong giai đoạn tấn công và ít nhất 2 loại trong giai đoạn duy trì.
+ Với bệnh lao đa kháng: phối hợp ít nhất 5 thuốc có hiệu lực, bao gồm Pyrazinamid và 4 thuốc lao hàng hai có hiệu lực.
- Phải dùng thuốc đúng liều
Các thuốc chống lao tác dụng hợp đồng, mỗi thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định. Uống quá liều sẽ gây nguy hiểm. Uống thuốc liều thấp lại không có tác dụng và vi khuẩn kháng thuốc. Vì vậy trong quá trình điều trị bệnh nhân cần phải tuân thủ sử dụng thuốc đúng liều lượng. Đặc biệt là các em nhỏ trong quá trình điều trị bệnh cần phải điều chỉnh liều lượng thuốc theo cân nặng của trẻ.
- Phải dùng thuốc đều đặn
Người bệnh khi dùng thuốc chú ý uống một lúc vào cùng một thời gian cố định. Uống xa bữa ăn để thuốc đạt kết quả hấp thụ tốt nhất. Với bệnh nhân lao đa kháng thì dùng thuốc 6 ngày/tuần, chủ yếu uống thuốc 1 lần vào buổi sáng.
- Dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì
+ Ở từng giai đoạn thì việc dùng thuốc lại có thời gian khác nhau. Thời gian tấn công cần dùng 2 -3 tháng để tiêu diệt các vi khuẩn. Thời gian duy trì từ 4-6 tháng nhằm loại bỏ hoàn toàn các vi khuẩn còn trong cơ thể.
+ Với bệnh lao đa kháng: Phác đồ điều trị chuẩn ngắn hạn từ 9 -11 tháng có giai đoạn tấn công 4 đến 6 tháng, phác đồ điều trị chuẩn 20 tháng có thời gian tấn công 8 tháng. Phác đồ cá nhân có thể thay đổi thời gian sử dụng của từng loại thuốc tùy thuộc vào kết quả kháng sinh đồ, đáp ứng điều trị, tiền sử điều trị và khả năng dung nạp thuốc của bệnh nhân.
5. Cách phòng tránh bệnh lao phổi
Hiện nay, bệnh lao vẫn được xét là bệnh gây tử vong cao nhất thế giới. Bệnh lao đang có chủ yếu ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Vì vậy việc phòng tránh bệnh lao phổi có thể được coi là nhiệm vụ y tế quan trọng đối với các cơ sở y tế và cả người bệnh. Cụ thể thực hiện các cách phòng tránh lao phổi theo Hướng dẫn Chẩn đoán điều trị và dự phòng bệnh lao theo Quyết định số 1314/QĐ-BYT ngày 24/03/2020 của Bộ Y tế như sau:
- Giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao:
+ Kiểm soát vệ sinh môi trường:
Thông gió tại phòng bệnh giúp đưa vi khuẩn ra bên ngoài vì mặt trời sẽ tiêu diệt các vi khuẩn lao
Yêu cầu bệnh nhân luôn sử dụng khẩu trang y tế, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng . Bệnh nhân khạc nhổ đờm, ho đúng nơi đúng nơi quy định. Người bệnh lấy đờm để xét nghiệm cần thực hiện đúng quy định.
- Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế
Nhân viên y tế tại các cơ sở có bệnh nhân lao thì cần sử dụng khẩu trang N95 hoặc tương đương. Các khẩu trang thông thường ít có khả năng ngăn chặn vi khuẩn lao.
- Giảm tiếp xúc nguồn lây
+ Cách ly những người có bệnh lao phổi AFB(+), đặc biệt là lao đa kháng thuốc.
+ Tại các cơ sở: trại cai nghiện, trường giáo dưỡng, cơ sở bảo trợ là nơi có khả năng cao lây nhiễm vì vậy cần có biện pháp cách ly chặt chẽ của người mắc bệnh để tránh lây lan nhanh
+ Các y, bác sĩ, nhân viên y tế cần thực hiện đúng quy trình thăm, khám. Không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nếu không cần thiết.
+ Đối với người HIV khám bệnh: cần xác định người nghi lao, chuyển đến phòng khám riêng và ưu tiên khám trước.
- Giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao
+ Tiêm vaccin BCG: đây là biện pháp nhanh và hiệu quả nhất.
+ Điều trị lao tiềm ẩn: Những người HIV mà chưa mắc lao phổi; trẻ em sống cùng nhà với người mắc lao cần được điều trị lao tiềm ẩn để tránh tình trạng mắc bệnh.
- Thực hiện phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế:
+ Tại các cơ sở y tế, cần lập kế hoạch, quy trình và lịch phân công người phụ trách dự phòng lây nhiễm lao. Lãnh đạo cần quan tâm, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ phòng lây nhiễm bệnh
+ Các y, bác sĩ, nhân viên y tế nắm được đầy đủ kế hoạch, quy trình phòng bệnh. Thực hiện đầy đủ các bước khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho người bệnh.
+ Người được phân công phụ trách dự phòng lây nhiễm lao cần theo dõi sát hoạt động của đơn vị, báo cáo thường xuyên và đột xuất các nội dung phát sinh. Đồng thời, họ cần đưa ra các đề xuất, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị.
- Dự phòng lây nhiễm ở hộ gia đình:
+ Bệnh nhân tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
+ Tránh lây nhiễm bệnh:
Người bệnh luôn dùng khẩu trang; khi khạc nhổ đờm phải cho vào khăn rồi đốt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Giữ vệ sinh nơi ở của bệnh nhân: thường xuyên mở cửa cho thoáng khí
- Phơi các đồ dùng cá nhân ra ngoài trời, có ánh mặt trời nhằm tiêu diệt vi khuẩn.
Kết luận
Bệnh lao phổi là một bệnh nguy hiểm tuy nhiên lại có phương pháp điều trị để khỏi bệnh. Do vậy, mọi người dân cần nắm vững những triệu chứng lao phổi giai đoạn đầu để có kiến thức phòng tránh cho mình và người thân. Đồng thời cũng giảm gánh nặng cho xã hội và ngành y tế vì hiện nay bệnh lao phổi vẫn cần phải một lực lượng lớn nhân lực, vật lực để điều trị bệnh lao phổi.