Trái phiếu xanh là gì? Trái phiếu xanh huy động vốn cho dự án nào?

Trái phiếu xanh không chỉ giúp các doanh nghiệp và chính phủ huy động vốn mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Vậy Trái phiếu xanh là gì? Trái phiếu xanh huy động vốn cho dự án nào?

1. Trái phiếu xanh là gì? 

Trái phiếu xanh là gì? (Ảnh minh hoạ)

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì khái niệm trái phiếu xanh được định nghĩa là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.

Nói một cách đơn giản, khi nhà đầu tư mua trái phiếu xanh nghĩa là họ đang cho Chính phủ hoặc một công ty vay tiền để họ dùng số tiền đó vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Đổi lại, nhà đầu tư sẽ nhận được lãi suất giống như khi mua các loại trái phiếu khác.

Quy định pháp luật về trái phiếu xanh

Ở Việt Nam, các quy định về phát hành trái phiếu xanh được xây dựng dựa trên các chuẩn mực quốc tế và trong nước. Các quy định này nhằm đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu xanh.

Theo đó, các tổ chức phát hành trái phiếu xanh cần tuân thủ các quy định về việc công bố thông tin, báo cáo định kỳ và kiểm toán độc lập để đảm bảo rằng vốn huy động được sử dụng đúng mục đích.

Nội dung cụ thể của các quy định được phân tích trong những nội dung dưới đây.

2. Nguyên tắc trái phiếu xanh

Nguyên tắc của trái phiếu xanh bao gồm:

- Sử dụng vốn rõ ràng: Vốn huy động từ trái phiếu xanh phải được sử dụng cho các dự án có lợi ích môi trường rõ ràng và được định nghĩa cụ thể trong các điều khoản của trái phiếu.

- Đánh giá và lựa chọn dự án: Các dự án được tài trợ từ trái phiếu xanh cần được đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo rằng chúng đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường.

- Quản lý vốn: Các tổ chức phát hành cần thiết lập các quy trình quản lý vốn rõ ràng để đảm bảo rằng vốn từ trái phiếu xanh được sử dụng đúng mục đích.

- Báo cáo và minh bạch: Các tổ chức phát hành cần cung cấp báo cáo định kỳ về việc sử dụng vốn và kết quả của các dự án được tài trợ, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm.

3. Trái phiếu xanh được phát hành để huy động vốn cho dự án nào? 

Trái phiếu xanh được phát hành để huy động vốn cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường, theo quy định tại khoản 2 Điều 150 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì những dự án này bao gồm:

- Cải tạo, nâng cấp công trình bảo vệ môi trường;

- Thay đổi công nghệ theo hướng áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất;

- Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải ít các-bon;

- Ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

- Cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố môi trường;

- Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất, tiết kiệm năng lượng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo;

- Xây dựng hạ tầng đa mục tiêu, thân thiện môi trường;

- Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải;

- Thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư phát triển vốn tự nhiên;

- Dự án đầu tư khác theo quy định.

4. Chủ thể phát hành trái phiếu xanh có trách nhiệm gì?

Chủ thể phát hành trái phiếu xanh có trách nhiệm gì? (Ảnh minh hoạ)

Khoản 5, 6, 7 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chủ thể phát hành trái phiếu xanh có trách nhiệm cung cấp và công bố thông tin theo luật về phát hành trái phiếu. Cụ thể như sau:

Hàng năm, cho đến khi trái phiếu đáo hạn, chủ thể phát hành trái phiếu xanh phải công bố thông tin về tác động môi trường của dự án sử dụng vốn từ trái phiếu xanh như sau:

- Thông tin cần bao gồm quyết định phê duyệt thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu có), giấy phép môi trường (nếu có), và kết quả đánh giá các lợi ích môi trường của dự án sử dụng vốn trái phiếu xanh;

- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh công bố thông tin theo luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và nội dung nêu trên;

- Chủ dự án sử dụng vốn từ trái phiếu xanh do Chính phủ hoặc chính quyền địa phương phát hành cung cấp thông tin cho Kho bạc Nhà nước (đối với trái phiếu xanh do Chính phủ phát hành) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với trái phiếu xanh do chính quyền địa phương phát hành) để công bố trên trang thông tin điện tử của Kho bạc Nhà nước hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Thêm vào đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải báo cáo và công bố thông tin về tình hình quản lý và giải ngân nguồn vốn theo luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp;

5. Chính sách ưu đãi đối với chủ thể phát hành trái phiếu xanh

Để khuyến khích việc phát hành và đầu tư vào trái phiếu xanh, chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh được hưởng các chính sách ưu đãi sau theo quy định tại khoản 8 Điều 157 Nghị định 08/2022/NĐ-CP:

- Được hưởng các ưu đãi về giá dịch vụ theo quy định pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác theo quy định;

- Các dự án đầu tư công sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu xanh do Chính phủ hoặc chính quyền địa phương phát hành sẽ được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.

Tóm lại, với các quy định pháp luật cụ thể, nguyên tắc rõ ràng và chính sách ưu đãi từ chính phủ, trái phiếu xanh không chỉ giúp các tổ chức và chính phủ huy động vốn một cách hiệu quả mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững.

Trên đây là nội dung giải đáp chi tiết cho các câu hỏi Trái phiếu xanh là gì? Trái phiếu xanh huy động vốn cho dự án nào?
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.

Làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1?

Để đảm bảo cho việc cung cấp và sử dụng các trò chơi điện tử trên mạng được an toàn cho người dùng, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ hơn các nội dung liên quan đến hoạt động này. Vậy làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng?

Mẫu đơn đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội

Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã được ban hành ngày 09/11/2024. Trong đó, đáng chú ý là các quy định chi tiết về cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Vậy để đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội, doanh nghiệp phải sử dụng mẫu đơn nào?

Điều kiện cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội là trang mạng điện tử rất phổ biến hiện nay. Vậy điều kiện để được cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì và những quy định nào doanh nghiệp cần biết khi cung cấp dịch vụ mạng xã hội?