Quy định về trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm tại Thông tư 29 thế nào?

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm và học thêm chính thức có hiệu lực từ 14/02/2024. Nội dung bài viết dưới đây sẽ thông tin quy định về trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm tại Thông tư 29.

1. Trách nhiệm của UBND tỉnh trong hoạt động dạy thêm, học thêm

Điều 8 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong hoạt động dạy thêm, học thêm như sau:

Thứ nhất, chịu trách nhiệm quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương.

Thứ hai, ban hành quy định về dạy thêm, học thêm của địa phương, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lí giáo dục và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm;

- Việc quản lí và sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm;

- Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm.

Và thứ ba là chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lí; xử lí vi phạm theo quy định của pháp luật.

trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm tại Thông tư 29
Trách nhiệm của UBND tỉnh trong hoạt động dạy thêm, học thêm (Ảnh minh họa)

2. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo trong hoạt động dạy thêm, học thêm

Quy định này được nêu tại Điều 9 Thông tư 29. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo có các trách nhiệm như sau trong hoạt động dạy và học thêm:

(1) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm của địa phương.

(2) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm cho các nhà trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thuộc phạm vi quản lí trên địa bàn.

(3) Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lí; xử lí theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lí vi phạm.

3. Trách nhiệm của UBND huyện trong dạy và học thêm

Điều 10 Thông tư 29 nêu rõ trách nhiệm của UBND huyện trong dạy và học thêm gồm:

Một là chịu trách nhiệm quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Hai là hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn; xử lí hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lí vi phạm.

Và thứ ba là chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn.

4. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo trong hoạt động dạy và học thêm

Về trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Điều 10 Thông tư 29 quy định gồm:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc quản lí dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

- Hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm cho các nhà trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thuộc phạm vi quản lí.

- Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lí; xử lí theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lí vi phạm.

5. Trách nhiệm của UBND xã trong hoạt động dạy và học thêm

Điều 11 Thông tư 29 nêu trách nhiệm của UBND xã trong hoạt động dạy và học thêm như sau:

- Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan quản lí việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

- Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 29. Cụ thể là tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lí; xử lí theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lí vi phạm.

UBND xã có trách nhiệm trong hoạt động dạy thêm, học thêm
UBND xã có trách nhiệm trong hoạt động dạy thêm, học thêm (Ảnh minh họa)

6. Trách nhiệm của Hiệu trưởng trong dạy và học thêm

Đối với trách nhiệm của hiệu trưởng trong hoạt động dạy và học thêm, Điều 12 Thông tư 29 quy định rõ trách nhiệm gồm:

- Tổ chức việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định tại Thông tư 29 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

-  Quản lí giáo viên đang dạy học tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bảo đảm thực hiện theo đúng quy định; phối hợp theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đang dạy học tại nhà trường.

- Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lí trực tiếp về chất lượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường; việc quản lí, sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định.

- Xử lí theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lí vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.

- Tiếp nhận và xử lí ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh và cha mẹ học sinh về việc dạy thêm, học thêm trước và trong quá trình tổ chức thực hiện.

7. Trách nhiệm của cơ sở dạy thêm từ 14/02/2024

Điều 12 Thông tư 29 quy định nhiệm của cơ sở dạy thêm từ 14/02/2024 như sau:

(1) Thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

(2) Quản lí và bảo đảm chất lượng dạy thêm, học thêm và quyền lợi của học sinh học thêm, người dạy thêm; quản lí, sử dụng tiền học thêm theo quy định.

(3) Quản lí, lưu giữ hồ sơ tổ chức dạy thêm, học thêm theo quy định.

(4) Báo cáo, giải trình về việc thực hiện quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan với các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.

(5) Tiếp nhận và xử lí ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh và cha mẹ học sinh về việc dạy thêm, học thêm trước và trong quá trình tổ chức thực hiện.

Nếu có nhu cầu hướng dẫn, giải đáp thủ tục đăng ký kinh doanh dạy thêm (cung cấp trọn bộ hồ sơ), vui lòng liên hệ 0936 38 52 36. Chi phí: 500.000 đồng.

8. Quy định về thanh kiểm tra, xử lí vi phạm trong dạy và học thêm

Được nêu tại Điều 15, 16 Thông tư 29. Theo đó, hoạt động dạy thêm, học thêm chịu sự thanh tra của các cơ quan thanh tra nhà nước theo quy định của pháp luật; chịu sự kiểm tra của các cơ quan quản lí giáo dục, cơ quan quản lí nhà nước các cấp theo phân cấp.

Nhà trường, cơ sở dạy thêm, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì bị xử lí theo quy định của pháp luật.

Tham gia Group Zalo của LuatVietnam để nhận văn bản về giáo dục mới nhất TẠI ĐÂY

Trên đây là thông tin về trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm tại Thông tư 29.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục