Tổng quan các Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2024

Từ ngày 01/01/2024, các Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, Luật Đấu thầu 2023 và Luật Thi đua, khen thưởng 2022 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Bài viết này tổng hợp những điểm đáng chú ý nhất liên quan để bạn đọc có cái nhìn tổng quan về các Luật này.

1. Các luật có hiệu lực từ 01/01/2024

1.1. Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Với 12 chương, 121 Điều (tăng 03 chương và 30 điều so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009), Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh; tiếp tục chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế...

Sau đây là một số điểm mới cơ bản, đáng chú ý của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023:

Đối với người bệnh

Luật mới sửa đổi, bổ sung đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh: Người từ đủ 75 tuổi (trước đây phải từ đử 80 tuổi) và người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được ưu tiên khám, chữa bệnh.

Bổ sung quy định ưu tiên Ngân sách Nhà nước khám, chữa bệnh cho:

  • Người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật.

  • Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đang sống ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

  • Người bị các bệnh: Tâm thần, phong, truyền nhiễm nhóm A, nhóm B.

Đối với người hành nghề y

- Mở rộng đối tượng hành nghề bằng việc thay đổi từ cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn.

- Nâng cao kỹ năng của người hành nghề:

  • Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề.

  • Riêng đối với lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ.

  • Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 05 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.

Về chất lượng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh

Quy định mới bắt buộc cơ sở phải tự đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành hàng năm.

Kết quả tự đánh giá phải cập nhật lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Thay đổi từ 04 tuyến chuyên môn thành 03 cấp chuyên môn.

- Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.

Xem thêm: TOP 10+ điểm mới tác động mạnh đến người bệnh, bác sĩ từ 2024

Tổng quan các Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2024
Tổng quan các Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 (Ảnh minh họa)

1.2. Luật Đấu thầu

Đấu thầu là lĩnh vực quan trọng đối với nhiều nhà đầu tư. Luật Đấu thầu năm 2023 có 10 Chương, 96 Điều với các điểm mới đáng chú ý như sau:

- Sửa đổi tiêu chí xác định tư cách nhà thầu, nhà đầu tư

Bổ sung các tiêu chí về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư như sau:

  • Không bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác;

  • Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quy định chi tiết tiêu chí bị cấm tham dự thầu: Nhà thầu, nhà đầu tư có tư cách hợp lệ phải không trong thời gian bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền.

Quy định cụ thể tiêu chí xác định tư cách nhà thầu là hộ kinh doanh:

  • Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;

  • Không trong quá trình chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; chủ hộ kinh doanh không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

  • Có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

  • Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo Điều 6 Luật này;

  • Không bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền;

  • Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn.

- Bổ sung quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu

Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm hoặc hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và tài chính với quản lý dự án, giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế.

Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và tài chính với các nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế.

- Chủ đầu tư phải cập nhật kết quả thực hiện hợp đồng trên e-GP.

Xem thêm: Tổng hợp điểm mới đáng chú ý của Luật Đấu thầu 2023

Tổng quan các Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2024

Tổng quan các Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 (Ảnh minh họa)

1.3. Luật Thi đua, khen thưởng

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có 08 chương với 96 Điều luật đã bổ sung nhiều quy định mới về thi đua, khen thưởng với cá nhân, tổ chức trong nước và cả nước người nước ngoài.

Một số nội dung mới đáng chú ý tại Luật Thi đua, khen thưởng như:

- Bổ sung nguyên tắc khen thưởng:

  • Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó;

  • Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Bỏ hình thức khen thưởng “Huy hiệu” cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các hình thức khen thưởng tại Luật Thi đua, khen thưởng 2022 bao gồm:

  • Huân chương.

  • Huy chương.

  • Danh hiệu vinh dự nhà nước.

  • “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”.

  • Kỷ niệm chương.

  • Bằng khen.

  • Giấy khen.

- Thay đổi nguyên tắc xét thi đua, khen thưởng

Căn cứ xét thi đua không còn căn cứ vào việc đăng ký tham gia thi đua, chỉ căn cứ theo: Phong trào thi đua; Thành tích thi đua; Tiêu chuẩn danh hiệu thi đua.

Bên cạnh đó, căn cứ xét khen thưởng cũng có sự thay đổi, Luật quy định dựa vào:

  • Thành tích đạt được (thay vì phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thành tích).

  • Tiêu chuẩn khen thưởng.

  • Điều kiện và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích (thay vì trách nhiệm và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích).

- Thay đổi về đối tượng được tặng Huân chương lao động:

Đối tượng được tặng huân chương lao động ở các hạng không chỉ nêu chung chung là cá nhân và tập thể như trước đây, Luật mới quy định cụ thể bao gồm:

  • Cá nhân;

  • Công nhân, nông dân;

  • Doanh nhân, trí thức, nhà khoa học;

  • Tập thể;

  • Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác;

  • Cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài.

- Bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” là người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng do Chính phủ quy định.

- Bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng, có thời gian tại ngũ từ 02 năm trở lên.

Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang.

- Bổ sung nhiều hình thức khen thưởng cho người nước ngoài

Trước đây, người nước ngoài chỉ được xét tặng: “Huân chương Hữu nghị”, Huy chương hữu nghị, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”.

Theo Luật Thi đua, khen thưởng 2022, người nước ngoài sẽ được xét tặng khen thưởng cả với các hình thức:

  • Huân chương Hồ Chí Minh

  • Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba

  • Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba

  • Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

2. Các Luật có hiệu lực từ 01/7/2024

2.1. Luật Căn cước

Luật Căn cước chính thức thay thế Luật Căn cước công dân 2014 từ ngày 01/7/2024.

Luật gồm 7 chương 46 điều quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước; thẻ Căn cước, Căn cước điện tử; giấy chứng nhận Căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, người được cấp thẻ Căn cước là công dân Việt Nam. Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên bắt phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước; công dân dưới 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước theo nhu cầu.

Một số thông tin thể hiện trên mặt thẻ Căn cước sẽ đổi mới so với thẻ Căn cước công dân:

Ở mặt trước thẻ Căn cước: Dòng chữ "CĂN CƯỚC CÔNG DÂN" đổi thành "CĂN CƯỚC", "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú".

Ở mặt sau thẻ Căn cước: Không còn thể hiện dấu vân tay ngón trỏ, chữ ký của người cấp thẻ đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an thành "Nơi cấp: Bộ Công an".

Về thủ tục cấp thẻ Căn cước, Luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong trường hợp không thu nhận được vân tay của một người.

>> Tổng hợp 10 điểm mới của Luật Căn cước từ 01/7/2024

2.2. Luật Giao dịch điện tử

Luật Giao dịch điện tử gồm 07 Chương với 54 Điều. Trong đó, có một số điểm mới đáng chú ý như:

- Về phạm vi điều chỉnh: Luật này chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực mà điều chỉnh bằng pháp luật chuyên ngành.

- Về chữ ký điện tử: Chữ ký điện tử được sử dụng để xác nhận chủ thể ký và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu được ký và phải được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu.

Các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử như chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn,… không phải là chữ ký điện tử.

2.3. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 gồm 07 Chương với 80 Điều, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý như:

-Thay đổi định nghĩa người tiêu dùng: Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích tiêu dùng, sinh hoạt và không vì mục đích thương mại.

- Quy định rõ hơn về quyền lợi của người tiêu dùng: Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch.…

- Lần đầu tiên quy định về giao dịch từ xa: giao dịch từ xa được hiểu là giao dịch thực hiện qua mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác mà người tiêu dùng không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch.

- Nếu có tranh chấp, không được thương lượng, hòa giải khi vi phạm điều cấm của Luật hoặc trái đạo đức xã hội...

>> [Tổng hợp] 6 điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

2.4. Luật Phòng thủ dân sự

Gồm 07 Chương và 55 Điều, Luật Phòng thủ dân sự là một Luật hoàn toàn mới, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc phòng, chống, ứng phó thiên tai, thảm họa, sự cố, ngày càng hiệu quả hơn.

Luật Phòng thủ dân sự quy định về nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.

Trong đó, Luật này nghiêm cấm hành vi liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự như:

- Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự của cơ quan, hoặc người có thẩm quyền;

- Từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện cho phép;

- Gây ra sự cố, thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; thiệt hại tài sản và nền kinh tế quốc dân.

- Đưa tin sai sự thật về sự cố, thảm hoạ…

2.5. Luật Hợp tác xã

Luật Hợp tác xã 2023 gồm 12 Chương và 115 Điều có nhiều điểm mới đáng chú ý như:

- Quy định về mở rộng đối tượng tham gia hợp tác xã, gồm cả thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và liên kết không góp vốn; bổ sung yêu cầu trích lập Quỹ chung không chia là nguồn hình thành tài sản chung không chia phù hợp với đặc thù của mô hình hợp tác xã nhằm bảo đảm sự phát triển của quỹ chung không chia và tài sản chung không chia.

- Quy định về trao quyền cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự quyết định mức cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng nhu cầu của thành viên cũng như đa dạng hóa hình thức huy động vốn góp của thành viên.

- Bổ sung quy định về kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đa dạng hóa hình thức tổ chức quản trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành để phù hợp với quy mô, trình độ hợp tác xã.

- Bổ sung quy định về tổ hợp tác và các chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành hợp tác xã; quy định rõ hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam là tổ chức đại diện nòng cốt, bảo vệ lợi ích cho tất cả tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên phạm vi cả nước.

- Đơn giản hóa, số hóa các thủ tục về đăng ký, tổ chức lại, giải thể hợp tác xã theo hướng bổ sung quy định về xây dựng Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã.

>> Luật Hợp tác xã 2023: 5 điểm mới nổi bật

2.6. Luật Giá

Luật Giá 2023 gồm 08 Chương, 75 Điều về cơ bản vẫn điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá.

Tuy nhiên, với các vấn đề về giá đất, giá nhà ở, giá điện, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình thì thực hiện theo quy định tại luật chuyên ngành.

Về danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá: Bổ sung mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và lược bỏ mặt hàng điện, muối ăn, đường ăn.

Ngoài ra, Luật này còn ban hành thêm Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá mà trước đây chưa có. Danh mục này gồm các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gắn với thẩm quyền và hình thức định giá được quy định cụ thể, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.

>> Tổng hợp điểm mới đáng chú ý của Luật Giá 2023

2.7. Luật Viễn thông (sửa đổi)

Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương và 73 điều sẽ thúc đẩy phát triển các dịch vụ viễn thông mới.

Cụ thể, Luật Viễn thông sửa đổi đã bổ sung quy định về các dịch vụ viễn thông mới, bao gồm dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trung tâm dữ liệu.

Luật này bổ sung hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm gửi, truyền, nhận thông tin qua mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Bổ sung các quy định về quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông và chủ sở hữu thuê bao trong việc quản lý thông tin thuê bao, trách nhiệm hạn chế SIM không đúng thông tin thuê bao, hạn chế tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Bổ sung nghĩa vụ của thuê bao viễn thông, không sử dụng thông tin trên giấy tờ tùy thân của mình để thực hiện giao kết hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông cho người khác, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật về viễn thông.

Để bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông, Luật Viễn thông sửa đổi còn làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc bảo đảm bí mật thông tin của người sử dụng viễn thông; bảo vệ dữ liệu cá nhân của người sử dụng; bảo đảm chất lượng dịch vụ.

Ngoài ra, người sử dụng dịch vụ viễn thông cũng sẽ được hưởng lợi từ Luật Viễn thông sửa đổi. Cụ thể, người sử dụng dịch vụ viễn thông được bảo vệ quyền lợi tốt hơn trong đó bao gồm việc bảo đảm bí mật thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân từ các doanh nghiệp viễn thông, được cung cấp các dịch vụ viễn thông có chất lượng bảo đảm.

2.8. Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 05 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động... của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật gồm:

  • Sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trái quy định của Luật này hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

  • Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

  • Giả danh lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

  • Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong khi thực hiện nhiệm vụ.

  • Sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái phép, làm giả, cầm cố trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trên đây là tổng quan các Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Nếu có vướng mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Quy chuẩn mới nhất về nhà xưởng và kho chứa hóa chất nguy hiểm doanh nghiệp cần biết

Quy chuẩn mới nhất về nhà xưởng và kho chứa hóa chất nguy hiểm doanh nghiệp cần biết

Quy chuẩn mới nhất về nhà xưởng và kho chứa hóa chất nguy hiểm doanh nghiệp cần biết

Ngày 10/10/2024, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 19/2024/TT-BCT sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 48/2020/TT-BCT. Trong đó, doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm mới về quy chuẩn đối với nhà xưởng và kho chứa hóa chất nguy hiểm

Exp là gì? Cách ghi exp trên nhãn hàng hóa đúng quy định

Exp là gì?  Cách ghi exp trên nhãn hàng hóa đúng quy định

Exp là gì? Cách ghi exp trên nhãn hàng hóa đúng quy định

Các thông số được in trên bao bì luôn là các thông tin được người tiêu dùng xem xét kỹ lưỡng trước khi ra quyết định mua một sản phẩm, một trong số đó là exp. Vậy hãy cùng tìm hiểu exp là gì và các quy định liên quan tới việc ghi thông tin này trên nhãn sản phẩm qua bài viết dưới đây.