Trốn đóng BHXH cho người lao động: Công ty "gánh hậu quả" thế nào?

Trên thực tế có không ít trường hợp công ty dùng nhiều cách để trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động, hành vi này làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Vậy, Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bị xử lý thế nào?

1. Công ty phải đóng BHXH cho nhân viên trong trường hợp nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH 2014:

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng…

Theo quy định trên, những người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Vì vậy, trường hợp các bên ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thì cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải đóng BHXH bắt buộc.

Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bị xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)

2. Trốn đóng BHXH cho nhân viên, công ty bị xử lý thế nào?

Theo Điều 2 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP, trốn đóng BHXH là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH.

Tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng nêu rõ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là một trong các hành vi bị nghiêm cấm do đó doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định doanh nghiệp có hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp cụ thể và mức độ vi phạm, doanh nghiệp còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Xử phạt hành chính:

Theo quy định tại điểm a khoản 7 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:

- Bị phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng;

- Bị buộc phải đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan BHXH;

- Bị buộc nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian trốn đóng.

Xử lý hình sự:

Theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp dưới đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn đóng BHXH:

- Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng;

- Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người lao động.

Theo đó, gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH là việc cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc BHXH với cơ quan có thẩm quyền.

Tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 cũng quy định cụ thể mức phạt với Tội trốn đóng BHXH như sau:

* Với cá nhân:

Hình phạt chính

- Khung 01:

Phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 01 năm nếu phạm tội trốn đóng BHXH thuộc một trong các trường hợp:

+ Trốn đóng BHXH từ 50 - dưới 300 triệu đồng;

+ Trốn đóng BHXH từ 10 người - dưới 50 người lao động.

- Khung 02:

Phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng - dưới 01 tỷ đồng;

+ Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 - dưới 200 người;

+ Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.

- Khung 03:

Phạt tiền từ 500 triệu - 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

+ Trốn đóng bảo hiểm từ 01 tỷ đồng;

+ Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

+ Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.

Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

* Với pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại phạm tội trốn đóng BHXH, thì bị phạt như sau:

- Phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

+ Trốn đóng BHXH từ 50 - dưới 300 triệu đồng;

+ Trốn đóng BHXH từ 10 người - dưới 50 người lao động.

- Phạt tiền từ 500 triệu - 01 tỷ đồng nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng - dưới 01 tỷ đồng;

+ Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 - dưới 200 người;

+ Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.

- Phạt tiền từ 01 - 03 tỷ đồng nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

+ Trốn đóng bảo hiểm từ 01 tỷ đồng;

+ Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

+ Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.

3. Người lao động cần làm gì khi công ty không đóng BHXH?

Trường hợp công ty, doanh nghiệp không đóng BHXH, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người lao động cần thực hiện các cách giải quyết dưới đây:

- Khiếu nại tới Ban Giám đốc công ty, tổ chức công đoàn công ty:

Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2018, trong vòng 180 ngày, kể từ ngày biết được công ty không đóng BHXH cho mình, người lao động yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu cho mình để xem xét lại hành vi không nộp tiền BHXH.

- Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu giải quyết, nếu công ty vẫn không đóng hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty thì người lao động được quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

- Khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện, nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu giải quyết các quyền lợi liên quan trong thời gian làm việc mà không được đóng bảo hiểm khi:

+ Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại;

+ Hoà giải không thành;

+ Hết thời hạn mà không được giải quyết khiếu nại, hòa giải.

Trên đây là giải đáp về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Quy định mới nhất về cung cấp trò chơi điện tử công cộng

Trò chơi điện tử công cộng là một hình thức trò chơi khá đặc thù và chịu sự quản lý chặt chẽ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định như thế nào để hoạt động cung cấp trò chơi điện tử công cộng này?

Mẫu báo cáo cung cấp trò chơi điện tử trên mạng

Hiện nay, trò chơi điện tử trên mạng rất đa dạng và được phát hành bởi rất nhiều nhà cung cấp khác nhau. Sau đây là một số quy định mà các nhà cung cấp cần lưu ý về việc báo cáo cung cấp trò chơi điện tử trên mạng này.

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.