Khủng bố là thuật ngữ được nhắc tương đối nhiều trên các bản tin thời sự quốc tế, báo chí,… Tại Việt Nam, Tội khủng bố đã được quy định riêng trong Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Vậy, khủng bố là gì? Mức phạt Tội khủng bố ra sao?
Tội khủng bố là gì?
Khủng bố được hiểu là hành vi gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, hành vi khủng bố có thể được thể hiện dưới dạng hành động, lời nói, hình ảnh hoặc video hoặc hành vi khác để uy hiếp.
Cá nhân, tổ chức có thể bị xử lý hình sự về Tội khủng bố theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 khi thực hiện một trong các hành vi dưới đây:
- Hành vi xâm phạm đến tính mạng hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác như: Đe dọa bắn, đánh bom, mìn, lựu đạn...
- Hành vi đe dọa phá hủy tài sản, chiếm giữ, phá hủy, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân như: Đốt, phá, đánh bom, mìn, dùng hóa chất... làm cho tài sản bị phá hủy không thể khôi phục lại được hoặc hư hại, tấn công, xâm hại, cản trở, làm rốỉ loạn các thiết bị điện tử gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng….
- Hành vi thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;…
Trường hợp nào phạm Tội khủng bố bị tử hình?
Tội khủng bố hiện được quy định tại Điều 299 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, theo đó mức phạt áp dụng với tội này như sau:
- Khung 01
Phạt tù từ 10 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu có hành vi gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà:
+ Xâm phạm tính mạng của người khác; hoặc
+ Phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Khung 02
Phạt tù từ 05 - 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;
+ Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;
+ Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
+ Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Khung 03
Phạt tù từ 02 - 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các hành vi thuộc khung hình phạt thứ nhất hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần.
Theo Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐTP, hành vi khác uy hiếp tinh thần là hành vi:
- Lôi kéo, kích động, cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị uy hiếp; hoặc
- Đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, tài sản, danh dự, nhân phẩm của thân nhân người bị uy hiếp; hoặc
- Các hành vi khác nhằm làm cho người bị uy hiếp lo sợ, cản trở khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ một cách bình thường.
Với trường hợp chuẩn bị phạm tội thì bị phạt từ 01 - 05 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối chiếu với quy định trên, cá nhân, tổ chức bị xử lý về Tội khủng bố có thể bị áp dụng hình phạt tử hình trong trường hợp phạm tội nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Trong đó, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐTP giải thích như sau:
Tình trạng hoảng sợ trong công chúng là trạng thái tâm lý lo lắng, sợ hãi, hoang mang của người dân về an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ.
Để gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, các hành vi khủng bố có thể được thực hiện ở nơi công cộng, nơi tập trung đông người như: quảng trường, trung tâm thương mại, trên các phương tiện giao thông, tại các nơi vui chơi, giải trí, du lịch, trường học, bệnh viện, khu dân cư, tại các tòa nhà,...
Ví dụ: Hành vi gây nổ ở khu vực công cộng làm người dân lo lắng về sự an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của họ.
Trên đây là giải đáp thắc mắc liên quan đến mức phạt của Tội tử hình. Nếu còn vướng mắc, bạn đọc vui lòng gọi 1900.6192 để được hỗ trợ.