1. Tổ chuyên gia và tổ thẩm định gồm có ai?
Những người trong tổ chuyên gia và tổ thẩm định được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Luật Đấu thầu 2023, cụ thể:
- Tổ chuyên gia gồm có các cá nhân có năng lực và kinh nghiệm, được chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn đấu thầu đối với lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư thành lập hoặc giao nhiệm vụ thực hiện một hoặc các công việc gồm:
Lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
Đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư;
Thực hiện các nhiệm vụ khác trong lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư.
- Tổ thẩm định gồm có các cá nhân có năng lực và kinh nghiệm, được người có thẩm quyền, chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn đấu thầu thành lập hoặc giao nhiệm vụ kiểm tra, xem xét sự phù hợp với quy định pháp luật đối với một hoặc các nội dung gồm:
Kế hoạch tổng thể để lựa chọn nhà thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
Hồ sơ mời quan tâm, mời sơ tuyển, mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả mời quan tâm, kết quả mời sơ tuyển và kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
2. Tổ chuyên gia đấu thầu do ai thành lập?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 19 Luật Đấu thầu 2023, tổ chuyên gia gồm có các cá nhân có năng lực và kinh nghiệm, được chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn đấu thầu đối với lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư thành lập hoặc giao nhiệm vụ thực hiện một hoặc các công việc gồm:
Lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
Đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư;
Thực hiện các nhiệm vụ khác trong lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư.
Như vậy, tổ chuyên gia đấu thầu được thành lập bởi:
- Chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn: Đối với hình thức lựa chọn nhà thầu.
- Bên mời thầu: Đối với hình thức lựa chọn nhà đầu tư.
3. Tổ chuyên gia đấu thầu gồm mấy người?
Theo quy định tại Điều 19 Luật Đấu thầu 2023 thì chỉ quy định tổ chuyên gia đấu thầu gồm có những người có năng lực và kinh nghiệm, được lựa chọn để thực hiện các công việc chuyên môn trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 19 Luật Đấu thầu 2023 quy định về điều kiện của những người trong tổ chuyên gia là có tối thiểu 03 năm công tác trong một các lĩnh vực có liên quan đến pháp lý, kỹ thuật hoặc tài chính của gói thầu, dự án về đầu tư kinh doanh.
Theo đó, hiện nay pháp luật không quy định cụ thể về số lượng thành viên trong tổ chuyên gia đấu thầu mà chỉ đặt ra các yêu cầu đối với những người trong tổ chuyên gia đấu thầu.
Vì vậy, căn cứ theo quy mô, tính chất và mức độ phức tạp của gói thầu mà chủ đầu tư/đơn vị tư vấn đấu thầu/bên mời thầu có thể quyết định về số lượng thành viên tham gia vào tổ chuyên gia đấu thầu.
4. Tổ chuyên gia có cần có chứng chỉ đấu thầu không?
Trước đây, tại khoản 1 Điều 16 Luật Đấu thầu 2013, khoản 1 Điều 116 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Điều 14 Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định cá nhân tham gia vào tổ chuyên gia cần phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, khi Luật Đấu thầu 2023 được ban hành, có hiệu lực thì 02 Nghị định này đã không còn phù hợp và chưa có văn bản hướng dẫn thay thế.
5. Tổ thẩm định có cần chứng chỉ đấu thầu không?
Cũng tương tự như tổ chuyên gia, trước đây, tại khoản 1 Điều 16 Luật Đấu thầu 2013 quy định cá nhân tham gia vào hoạt động đấu thầu cần phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 19/2015/TT-BKHĐT quy định thành viên tham gia tổ thẩm định phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu và chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, Luật Đấu thầu 2023 được ban hành, có hiệu lực thì không có quy định nội dung này và cũng chưa có văn bản hướng dẫn mới.
6. Tổ chuyên gia đấu thầu có được lập hồ sơ mời thầu không?
Tại Điều 19 Luật Đấu thầu 2023 quy định:
Tổ chuyên gia gồm các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm được chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn đấu thầu đối với lựa chọn nhà thầu, bên mời thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư thành lập hoặc giao nhiệm vụ để thực hiện một hoặc các công việc: lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh; thực hiện các nhiệm vụ khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Theo đó, lập hồ sơ mời thầu là một trong các công việc mà tổ chuyên gia được chủ đầu tư/đơn vị tư vấn đấu thầu/bên mời thầu giao nhiệm vụ thực hiện. Vì vậy, tổ chuyên gia đấu thầu được lập hồ sơ mời thầu.
Trên đây là những thông tin về tổ chuyên gia và tổ thẩm định. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến: 19006192 để được giải đáp.