Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: Mức phạt mới nhất 2024

Sử dụng ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy vẫn luôn là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội hiện nay. Vậy, theo quy định mới nhất, Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý thế nào?

1. Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là gì?

Theo giải thích tại khoản 6 Mục II Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một trong các hành vi sau đây:

- Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;

- Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.

Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới mọi hình thức đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý tại Điều 255 Bộ luật Hình sự số 100/2013/QH13.

Theo Thông tư liên tịch 17, khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt:

- Người nghiện ma túy có chất ma túy cho người khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc Tội sử dụng trái phép chất ma túy;

- Người nào thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời còn thực hiện một hay nhiều hành vi phạm tội khác về ma túy, thì ngoài Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm khác đã thực hiện quy định tại điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy:

  • Đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy;
  • Chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
  • Chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác);
  • Chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
  • Tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.

2. Mức phạt Tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

Điều 255 Bộ luật Hình sự số 100/2013/QH13 quy định về khung hình phạt với Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy như sau:

Khung 1: Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 - 07 năm.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 - 15 năm:

- Phạm tội 02 lần trở lên;

- Đối với 02 người trở lên;

- Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

- Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

- Đối với người đang cai nghiện;

- Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% - 60%;

- Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

- Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 - 20 năm:

- Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;

- Gây tổn hại cho sức khoẻ cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% - 60%;

- Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;

- Đối với người dưới 13 tuổi.

Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

- Gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

- Làm chết 02 người trở lên.

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: Mức phạt mới nhất (Ảnh minh họa)

3. Giải thích tình tiết tăng nặng của Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

Khoản 6 Mục II Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP giải thích về một số tình tiết là yếu tố định khung tang nặng trong Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy như sau:

- “Đối với người đang cai nghiện”: là trường hợp phạm tội đối với người mà người đó đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận họ nghiện ma túy và đang được cai nghiện tại trung tâm cai nghiện, tại gia đình hoặc tại cộng đồng dân cư.

- “Gây bệnh nguy hiểm cho người khác”: là trường hợp người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (có thể biết/không biết) gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người sử dụng chất ma túy như HIV/AIDS, viêm gan B, lao…

Trường hợp người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy biết bản thân họ hoặc người khác đã nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người sử dụng chất ma túy thì cùng với việc bị truy cứu về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, người này còn bị truy cứu về Tội lây truyền HIV cho người khác hoặc Tội cố ý truyền HIV cho người khác.

- “Gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người”: là gây bệnh nguy hiểm cho từ hai người trở lên.

- “Gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%”: là trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên mà tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% - 60%.

- “Gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ thương tật 61% trở lên”: là trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên mà tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên.

Trên đây là thông tin về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện hành. Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Quy định mới nhất về cung cấp trò chơi điện tử công cộng

Trò chơi điện tử công cộng là một hình thức trò chơi khá đặc thù và chịu sự quản lý chặt chẽ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định như thế nào để hoạt động cung cấp trò chơi điện tử công cộng này?

Mẫu báo cáo cung cấp trò chơi điện tử trên mạng

Hiện nay, trò chơi điện tử trên mạng rất đa dạng và được phát hành bởi rất nhiều nhà cung cấp khác nhau. Sau đây là một số quy định mà các nhà cung cấp cần lưu ý về việc báo cáo cung cấp trò chơi điện tử trên mạng này.

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.