Tín phiếu, trái phiếu là những cụm từ rất quen thuộc với dân kinh tế. Vậy tín phiếu là gì? khác gì so với trái phiếu? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ khái niệm và sự khác biệt giữa hai loại tín phiếu và trái phiếu.
- 1. Tín phiếu là gì?
- 1.1 Định nghĩa tín phiếu là gì?
- 1.2 Các loại tín phiếu
- 1.2.1 Tín phiếu Kho bạc
- 1.2.2 Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước
- 2. Phương thức phát hành tín phiếu
- 3. Phân biệt tín phiếu và trái phiếu
- 4. Một vài quy định pháp luật cần biết về tín phiếu
1. Tín phiếu là gì?
1.1 Định nghĩa tín phiếu là gì?
Tín phiếu có thể hiểu là chứng chỉ ghi nhận khoản nợ ngắn hạn do Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước phát hành, theo đó, tín phiếu mang đầy đủ thông tin xác nhận quyền của chủ nợ, quyền hưởng lợi tức của chủ nợ và nghĩa vụ của bên phát hành tín phiếu.
Tín phiếu là một trong những hình thức đầu tư tài chính an toàn, có tính thanh khoản cao và ít rủi ro. Tuy nhiên, tín phiếu được đánh giá có lợi nhuận thấp. Tín phiếu có thời hạn ngắn, thường theo quý hoặc dưới 1 năm.
Tín phiếu được đảm bảo tính an toàn rất cao, bởi vì tín phiếu được phát hành bởi Nhà nước, Chính phủ. Trong điều kiện kinh tế bình ổn, hệ thống chính trị ổn định, không có chiến tranh thì khả năng mất thanh toán nợ bằng 0.
Mục đích của việc phát hành tín phiếu là huy động nguồn vốn ngắn hạn, điều tiết sự luân chuyển của đồng tiền, điều tiết lượng tiền đang lưu thông trên thị trường. Ngoài ra sử dụng tín phiếu có thể kiềm chế lạm phát, kích cầu thị trường nhằm ổn định tình hình kinh tế đất nước.
1.2 Các loại tín phiếu
Trên thị trường hiện nay có 2 loại tín phiếu phổ biến. Đó là tín phiếu Kho bạc và tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, mỗi loại đều có những đặc điểm khác nhau nhưng đều mang mục đích chung là điều tiết tiền tệ lưu thông trong thị trường.
1.2.1 Tín phiếu Kho bạc
Tín phiếu Kho bạc được định nghĩa tại Khoản 13 Điều 3 Luật Quản lý Nợ công số 20/2017/QH14 là công cụ nợ do Kho bạc Nhà nước phát hành, có kỳ hạn không quá 52 tuần.
Tín phiếu Kho bạc không có lãi suất cụ thể nhưng được phát hành với giá chiết khấu. Người mua có thể mua với giá chiết khấu và nhận lại đúng với mệnh giá khi đến hạn. Phần chênh lệch đó gọi là lợi nhuận. Tuy nhiên, phần lợi nhuận này thường không cao.
Tín phiếu Kho bạc thường được phát hành theo lô và được đấu giá. Các nhà đầu tư thường là ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Có tính thanh khoản cao dễ mua bán, trao đổi trên thị trường.
1.2.2 Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước
Đây là tín phiếu được phát hành bởi Ngân hàng Nhà nước. Khoản 1 Điều 3 Thông tư Quy định về Phát hành tín phiếu Nhà nước số 16/2019/TT-NHNN đã định nghĩa tín phiếu Ngân hàng Nhà nước là giấy tờ có giá ngắn hạn do Ngân hàng Nhà nước phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước có thời hạn không quá 364 ngày, dưới hình thức ghi sổ. Thời hạn, lãi suất đều do Ngân hàng Nhà nước quyết định tùy theo tình hình thị trường tiền tệ và chính sách của Nhà nước.
Người mua sẽ được mua giá thấp và nhận lại đủ mệnh giá khi tới hạn, lãi suất chính là phần chênh lệch.
Người mua khó mua bán, trao đổi trên thị trường ơn tín phiếu Kho bạc mà chỉ giữ tới thời điểm đáo hạn.
2. Phương thức phát hành tín phiếu
Ngoài thắc mắc tín phiếu là gì, mục đích phát hành tín phiếu thì người đọc còn quan tâm tới phương thức phát hành tín phiếu. Điều này được quy định tại Điều 6 Thông tư 16/2019/TT-NHNN như sau: Tín phiếu Ngân hàng nhà nước được phát hành theo phương thức đấu thầu hoặc bắt buộc.
Phát hành theo phương thức đấu thầu được thực hiện theo quy định của Nhà nước qua nghiệp vụ thị trường mở. Có nghĩa là, thông tin phát hành tín phiếu sẽ được chuyển đến cho các thành viên đấu thầu qua Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước để đăng ký đấu thầu. Tổ chức trúng thầu sẽ được thông báo và nhận tín phiếu qua nghiệp vụ ghi sổ.
Phát hành theo phương thức bắt buộc nghĩa là bắt buộc tổ chức tài chính đó phải mua tín phiếu theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tùy vào tình hình thị trường và chính sách tiền tệ theo từng thời kỳ mà Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định số lượng, lãi suất và tổ chức nào bắt buộc phải mua.
Cho dù là phương thức nào đi nữa thì tín phiếu vẫn bị đánh giá là có quy trình đầu tư phức tạp, phải thông qua rất nhiều bước và phải tuân thủ quy định của Nhà nước.
3. Phân biệt tín phiếu và trái phiếu
Tín phiếu là gì? Trái phiếu là gì? Hai loại này giống nhau và khác nhau như thế nào? Đây là những vấn đề các nhà đầu tư đang rất quan tâm.
Điểm giống nhau về cơ bản giữa hai loại hình tín phiếu và trái phiếu là bản chất. Cả hai đều là giấy tờ chứng nhận nợ xác nhận quyền lợi của người mua và nghĩa vụ của người bán. Đồng thời, tín phiếu và trái phiếu đều là hình thức huy động vốn với mục đích cụ thể, cố định tùy vào người phát hành.
Điểm khác nhau giữa hai loại hình như sau :
Tiêu chí so sánh | Tín phiếu | Trái phiếu |
Thời hạn | Dưới 1 năm | Trên 1 năm |
Rủi ro | Không có | Có |
Tính thanh khoản | Cao | Không cao bằng tín phiếu |
Lãi suất | Thấp | Cao |
Bên phát hành | Nhà nước, Ngân hàng nhà nước | Nhà nước, doanh nghiệp, Ngân hàng nhà nước |
Bên sở hữu | Tổ chức tài chính, Ngân hàng | Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đầu tư |
Mức lợi nhuận | Thấp | Cao hơn tín phiếu |
4. Một vài quy định pháp luật cần biết về tín phiếu
Nghị định 95/2018/NĐ-CP và Thông tư 16/2019/TT-NHNN đã quy định rất rõ về tín phiếu, cách thức phát hành, đấu thầu, đăng ký, niêm yết giao dịch tín phiếu. Trong đó có một số quy định cần chú ý như sau :
- Đối với trường hợp mua tín phiếu bằng phương pháp đấu thầu thì bên mua phải thanh toán toàn bộ tiền mua tín phiếu trước 14h trong ngày được thông báo. Nếu nộp trễ phải chịu thêm lãi chậm thanh toán tiền mua tín phiếu. Trong vòng 05 ngày làm việc vẫn không nộp đủ thì bên mua sẽ bị hủy kết quả đấu thầu đối với bên mua. (Điều 12 Thông tư 16/2019/TT-NHNN)
- Đối với trường hợp mua tín phiếu bằng phương pháp bắt buộc, bên mua phải thanh toán trong ngày được thông báo. Nếu đến cuối ngày vẫn không thanh toán hoặc thanh toán không đủ thì Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tự động trích tài khoản thanh toán cho tới khi đủ số tiền và thông báo cho bên mua bằng văn bản sau kèm với thông báo lãi chậm thanh toán từng ngày. (Điều 12 Thông tư 16/2019/TT-NHNN)
- Việc thanh toán tín phiếu khi đến hạn tuân thủ theo quy định pháp luật thông qua Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
+ Ngày 25 hàng tháng, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam gửi thông báo cho Kho bạc Nhà nước số tiền cần phải thanh toán tín phiếu trong tháng sau và ngày thanh toán.
+ Chậm nhất 11h30 phút ngày thanh toán, Kho bạc Nhà nước phải đám bảo thanh toán đủ cho các bên theo thông báo của Trung tâm, nếu không, Kho bạc Nhà nước phải đóng lãi chậm thanh toán được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 12 Thông tư 16/2019/TT-NHNN.
+ Quy định đối tượng mua tín phiếu là tổ chức tín dụng có tài khoản thanh toán bằng đồng tại Ngân hàng Nhà nước. Đồng tiền phát hành là đồng Việt Nam có mệnh giá 100.000đ hoặc bội số của 100.000đ, có lãi suất và thời hạn do Ngân hàng Nhà nước quyết định.
5. Kết luận
Trên đây là tóm tắt khái niệm tín phiếu là gì, trái phiếu là gì và các quy định pháp luật liên quan. Việc hiểu rõ và đầu tư tín phiếu sẽ giúp các nhà đầu tư hiểu thêm về nền kinh tế. tìm được nguồn lợi đầu tư hợp lý và ít rủi ro, đảm bảo lợi nhuận hơn. Đồng thời, tôi cũng hy vọng tín phiếu sẽ trở thành công cụ tài chính đắc lực hơn cho Nhà nước trong tương lai.