1. Nút ấn báo cháy là gì? Có chức năng thế nào?
Căn cứ theo tiểu mục 3.3 mục 3 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5738:2021 về Phòng cháy chữa cháy - Hệ thống báo cháy tự động - Yêu cầu kỹ thuật thì thuật ngữ nút ấn báo cháy được định nghĩa là: Thiết bị để thực hiện việc báo cháy ban đầu bằng tay.
Đồng thời, theo quy định tại tiểu mục 4.5 mục 4 TCVN 5738:2021, nút ấn báo cháy là một trong những bộ phận cơ bản của hệ thống báo cháy hiện nay, cùng với các bộ phận cơ bản khác, gồm: trung tâm báo cháy, đầu báo cháy, các bộ phận liên kết, nguồn điện…
Nút ấn báo cháy được sử dụng để truyền phát tín hiệu khi có cháy xảy ra ở khu vực có nút ấn. Nó được kích hoạt bằng tay khi người sử dụng phá vỡ kính ở chỗ theo hướng mũi tên. Khi kích hoạt nút ấn báo cháy, tín hiệu sẽ được truyền về trung tâm báo cháy.
Người trực tại trung tâm báo cháy sẽ biết được khu vực đang có cháy và phát đi tín hiệu bằng loa, còi, âm thành,... để cảnh báo cho mọi người ở trong khu vực đó di tản đi nơi khác.
2. Tiêu chuẩn lắp đặt nút ấn báo cháy mới nhất 2024
Căn cứ theo quy định tại mục 7 TCVN 5738:2021 thì việc lắp đặt nút ấn báo cháy hiện nay cần đảm bảo tuân thủ theo các tiêu chuẩn sau đây:
Nút ấn báo cháy phải được lắp đặt ở bên trong cũng như cả bên ngoài nhà và công trình, phải được lắp ở trên tường và các cấu kiện xây dựng tại độ cao 1,4 m ± 0,2 m được tính từ mặt sàn hoặc mặt đất và phải có một không gian trống dạng nửa đường tròn, có bán kính là 0,6 m xung quanh mặt trước của nút ấn báo cháy.
Nút ấn báo cháy đảm bảo được lắp đặt trên các lối thoát nạn, các chiếu nghỉ cầu thang ở những vị trí dễ dàng thấy được, dễ thao tác.
Trong trường hợp xét thấy cần thiết thì có thể lắp đặt nút ấn báo cháy ở trong từng phòng. Khoảng cách giữa các nút ấn báo cháy đảm bảo không được vượt quá 45 m và khoảng cách tính từ nút ấn báo cháy đến lối ra của mọi gian phòng không được quá 30 m.
Trong trường hợp nút ấn báo cháy được lắp đặt ở bên ngoài tòa nhà thì khoảng cách tối đa giữa các nút ấn báo cháy không được vượt quá 150 m, đồng thời phải có ký hiệu và chỉ thị vị trí lắp đặt rõ ràng.
Nút ấn báo cháy được lắp bên ngoài nhà phải là loại chống thấm nước hoặc cần phải có biện pháp để chống mưa hắt vào cũng như các tác động từ môi trường bên ngoài. Nơi lắp đặt các nút ấn báo cháy đảm bảo phải được chiếu sáng liên tục vào ban đêm.
Các nút ấn báo cháy có thể được lắp theo kênh riêng, địa chỉ riêng hoặc lắp đặt chung trên 01 kênh cùng với các đầu báo cháy.
Trong trường hợp để tránh tác động ngoài ý muốn đến nút ấn báo cháy tại các nhà chung cơ, cơ sở giáo dục thì phải sử dụng nút ấn báo cháy có nắp trong suốt và có bản lề để bảo vệ.
Như vậy, việc lắp đặt nút ấn báo cháy phải tuân thủ theo tất cả các tiêu chuẩn nêu trên để đảm bảo phục vụ cho hoạt động phòng cháy chữa cháy hiệu quả khi có xảy ra cháy.
3. Vị trí lắp đặt nút ấn báo cháy ở đâu trong tòa nhà?
Căn cứ theo quy định tại Phụ lục B được ban hành kèm theo TCVN 5738:2021 quy định về vị trí để lắp đặt nút ấn báo cháy tuỳ thuộc theo mục đích sử dụng của toà nhà và các vị trí.
Có thể tham khảo vị trí lắp đặt nút ấn báo cháy tại phụ lục này để áp dụng, cụ thể như sau:
Các vị trí | Nơi lắp đặt nút ấn báo cháy |
1. Các công trình công nghiệp, cơ sở vật chất và cơ sở (ví dụ như: nhà xưởng, kho,...) | Lắp đặt tại dọc các tuyến đường thoát nạn, các lối ra từ nhà xưởng, nhà kho và trong các hành lang. |
- Đối với 01 tầng | |
- Đối với nhiều tầng tầng | Giống như đối với 01 tầng (Lắp đặt tại dọc các tuyến đường thoát nạn, các lối ra từ nhà xưởng, nhà kho và trong các hành lang). Ngoài ra, còn lắp đặt thêm ở cầu thang của mỗi tầng. |
2. Các công trình cáp (ví dụ như: đường hầm, sàn,...) | Lắp đặt tại lối vào của đường hầm, xuống sàn, tại các lối thoát hiểm khẩn cấp từ đường hầm và tại ngã ba của đường hầm. |
3. Tòa nhà hành chính, công cộng | Lắp đặt trong các hành lang, sảnh, khu vực cầu thang và ở các lối thoát hiểm của tòa nhà |
Trên đây là những thông tin về Tiêu chuẩn lắp đặt nút ấn báo cháy mới nhất 2024.