1. Bệnh binh là ai?
Căn cứ tại điểm h khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14, bệnh binh là 01 trong những nhóm đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Cụ thể hơn, căn cứ khoản 1 Điều 26 Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14, bệnh binh được hiểu là những sĩ quan/quân nhân chuyên nghiệp/hạ sĩ quan/ binh sĩ trong Quân đội và những sĩ quan/hạ sĩ quan/chiến sĩ trong Công an đáp ứng các điều kiện:
Bị mắc bệnh với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ mức 61% trở lên trong khi thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm
thôi phục vụ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân mà xét theo quy định không đủ điều kiện để được hưởng chế độ hưu trí.
Khi đó, các đối tượng nàyđược cơ quan có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận bệnh binh”.
2. Tiêu chuẩn bệnh binh
Căn cứ Điều 26 Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 và Điều 46 Nghị định 131/2021/NĐ-CP có thể khái quát các điều kiện để được công nhận là bệnh binh như sau:
Điều kiện 1: Là sĩ quan/quân nhân chuyên nghiệp/hạ sĩ quan/ binh sĩ trong Quân đội và sĩ quan/hạ sĩ quan/chiến sĩ trong Công an
Điều kiện 2: Người này bị mắc bệnh với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ mức 61% trở lên khi làm các nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm. Cụ thể theo khoản 1 Điều 46 Nghị định 131/2021/NĐ-CP những nhiệm vụ này được quy định bao gồm:
“Nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm quy định tại khoản 1 Điều 26 Pháp lệnh là thực hiện các nhiệm vụ sau: chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu; thực hiện nhiệm vụ có tính chất nguy hiểm khi: đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; trực tiếp trấn áp, bắt giữ tội phạm; cứu hộ, cứu nạn; ứng cứu thảm họa thiên tai.“
Điều kiện 3: Không đủ điều kiện hưởng được chế độ hưu trí khi thôi phục vụ tại đơn vị.
3. Điều kiện cấp giấy chứng nhận bị bệnh
Căn cứ Điều 48 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, giấy chứng nhận bị bệnh được cấp dựa trên các căn cứ bao gồm:
Thứ nhất là căn cứ vào kế hoạch công tác hoặc quyết định/ danh sách được phân công làm nhiệm vụ hoặc Giấy xác nhận giao nhiệm vụ từ cơ quan hoặc đơn vị mà trực tiếp quản lý người bị bệnh.
- Thứ hai là dựa vào báo cáo về vụ việc đã xảy ra từ cơ quan hoặc đơn vị mà trực tiếp quản lý người bị bệnh.
- Cuối cùng là căn cứ vào bản tóm tắt hồ sơ bệnh án trong cùng ngày hoặc ngay sau ngày người này thực hiện nhiệm vụ.
Bản tóm tắt này phải thể hiện quá trình điều trị bệnh là do có liên quan trực tiếp đến lý do thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm và phải được lập bởi bệnh viện tuyến huyện hoặc do trung tâm y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên lập (có bao gồm bệnh viện của quân đội, công an).
Lưu ý: Nếu người bị bệnh chưa thực hiện việc điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cung cấp được phiếu khám sức khỏe định kỳ hoặc phiếu kiểm tra sức khỏe đã được xác nhận trong thời gian là 01 năm sau khi thực hiện nhiệm vụ, mà trong phiếu khám có ghi nhận tình trạng bệnh của người này là có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm.
4. Quy trình công nhận bệnh binh
Dựa vào nội dung quy định Điều 51 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, hiện nay quy trình công nhận bệnh binh của Bộ Quốc phòng/Bộ Công an được khái quát thành 03 bước như sau:
Bước 1: Cá nhân có đề nghị công nhận bệnh binh (người bị bệnh hoặc thân nhân của người bị bệnh có thể hỗ trợ thực hiện) chuẩn bị hồ sơ (bao gồm các tài liệu được nêu tại mục 3) để đề nghị được công nhận bệnh binh và gửi đến cơ quan, đơn vị mà người này đang công tác.
Bước 2: Cơ quan, đơn vị nhận được hồ sơ thì trong thời hạn 12 ngày từ ngày đơn vị này nhận được đơn thì có trách nhiệm phải chuyển hồ sơ đến cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc hoàn thiện bộ hồ sơ và tiến hành ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận bệnh binh và các khoản trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.
Đồng thời, cơ quan đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc cấp giấy chứng nhận bệnh binh và chuyển hồ sơ bệnh binh này đến Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tại nơi bệnh binh thường trú.
Bước 3: Sau khi Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tại địa phương nhận được hồ sơ bệnh binh, thì trong vòng 12 ngày cơ quan này phải kiểm tra và tiếp tục thực hiện chế độ ưu đãi đối với bệnh binh và thân nhân của bệnh binh.
Lưu ý:
+ Giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy trình công nhận bệnh binh có sự khác nhau. Cụ thể quy trình công nhận bệnh binh của Bộ Quốc phòng được thực hiện theo Điều 10 Thông tư 55/2022/TT-BQP; quy trình công nhận bệnh binh của Bộ Công an được thực hiện theo Điều 10 Thông tư 14/2023/TT-BCA.
+ Tuy quy trình khác nhau, nhưng theo quy định của Chính phủ thì thời gian để cơ quan đơn vị có thẩm quyền xem xét, giải quyết việc công nhận bệnh binh là không quá 70 ngày từ ngày nhận được đơn đề nghị.
5. Chế độ đối với bệnh binh
Căn cứ Điều 27 Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 có quy định 04 chế độ mà bệnh binh được nhận như sau:
“1. Trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đối với bệnh binh như sau:
a) Trợ cấp hằng tháng căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể;
b) Trợ cấp người phục vụ đối với bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình;
c) Phụ cấp hằng tháng đối với bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81 % trở lên;
d) Phụ cấp đặc biệt hằng tháng đối với bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có bệnh đặc biệt nặng. Bệnh binh hưởng phụ cấp đặc biệt hằng tháng thì không hưởng phụ cấp hằng tháng.
2. Bảo hiểm y tế.
3. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm.
4. Chế độ ưu đãi quy định tại các điểm c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này.”
Như vậy, sau khi được công nhận bệnh binh người này sẽ nhận được những chế độ ưu đãi do Nhà nước quy định như trên.
Trên đây là thông tin và các quy định có liên quan đến bệnh binh và tiêu chuẩn bệnh binh.