Thông tư 27/2024/TT-BCT hướng dẫn 02 tiêu chí đánh giá hồ sơ mời thầu dự án đầu tư công trình năng lượng sạch (cụ thể bao gồm công trình năng lượng tái tạo, nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên, LNG) bao gồm:
Kỹ thuật phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư
Hiệu quả đầu tư phát triển ngành điện.
Hai nội dung này được hướng dẫn như sau:
Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư
Theo Điều 5 Thông tư 27/2024/TT-BCT, tiêu chuẩn này được đánh giá dựa trên yêu cầu chung về kỹ thuật đối với dự án đấu thầu tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 47 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP, bao gồm:
Sự phù hợp của phương án đầu tư do nhà đầu tư (gồm phạm vi, quy mô, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án, thời gian, tiến độ, phân kỳ đầu tư xây dựng công trình, sơ đồ tổ chức không gian và kiến trúc, cảnh quan đảm bảo đồng bộ với tổng thể công trình) đề xuất với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
Tính khả thi của giải pháp ứng dụng công nghệ do nhà đầu tư đề xuất (nếu có); yêu cầu về chuyển giao công nghệ (nếu có);
Sự phù hợp với điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực (nếu có); yêu cầu về phương án tổ chức vận hành, kinh doanh;
Hồ sơ mời thầu của các dự án này còn được đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật riêng theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 27/2024/TT-BCT, bao gồm:
Sự phù hợp của phương án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất (gồm vị trí công trình, quy mô, tiến độ, sơ đồ tổ chức không gian, phân kỳ đầu tư xây dựng công trình và các thông số kỹ thuật chính) với quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản phê duyệt dự án đầu tư có sử dụng đất đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.
Sự phù hợp đối với các thông số cơ bản của nhà máy điện theo từng loại hình nhà máy.
Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành điện
Hồ sơ mời thầu dự án đầu tư xây dựng công trình năng lượng sạch còn được đánh giá dựa trên hiệu quả đầu tư phát triển ngành điện theo Điều 6 Thông tư 27/2024/TT-BCT.
Tiêu chuẩn này được đánh giá dựa theo mức trần giá điện được trong hồ sơ mời thầu của dự án. Giá này phải dưới mức giá tối đa của khung giá phát điện tương ứng loại hình nguồn điện do Bộ Công Thương ban hành tại năm đấu thầu.
Mức trần này được yêu cầu xây dựng trên nguyên tắc được thống nhất với Bên mua điện quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 27/2024/TT-BCT.
Trong đó, Bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hoặc đơn vị đại diện theo phân cấp, ủy quyền), Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư này)
Nguyên tắc xây dựng mức trần giá điện có nội dung như sau:
Các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ của nhà đầu tư trong toàn bộ đời sống kinh tế dự án; Tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) không vượt quá 12%.
Mức trần giá điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền dịch vụ môi trường rừng, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn và đối với nước thải công nghiệp (áp dụng đối với nhà máy nhiệt điện) và các khoản thuế, phí, các khoản thu bằng tiền khác theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (trừ các khoản thuế, phí đã được tính trong phương án giá điện).